Ngoài ra, đợt này Sở Y tế còn phối hợp kiểm tra, đánh giá các chuyên đề về điều kiện hoạt động khám sức khỏe; thực hành tốt bảo quản thuốc; mức ứng dụng công nghệ thông tin; hoạt động quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh; hoạt động liên thông dữ liệu giấy chứng sinh, giấy báo tử phục vụ Đề án 06.
Đánh giá 120 bệnh viện
Theo đó, có 120 bệnh viện được đánh giá chất lượng. Trong đó, có 51 bệnh viện công lập, 63 bệnh viện ngoài công lập, 4 trung tâm y tế có giường bệnh, 2 bệnh viện thuộc ngành (Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP.HCM và Bệnh viện đa khoa Bưu Điện).
Có 2 bệnh viện không tham gia đánh giá là Bệnh viện đa khoa Gia Định (do thời gian hoạt động còn dưới 12 tháng) và Bệnh viện Giao thông vận tải (do đã được Cục Y tế, Bộ Giao thông vận tải đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2023).
Kết quả cho thấy có 41/120 (34,2%) bệnh viện có điểm chất lượng đạt từ 4 trở lên (thang điểm 5), 71/120 (59,2%) bệnh viện có điểm chất lượng từ 3 - 4, còn lại 8/120 (6,7%) bệnh viện có điểm từ 2 - 3.
Theo Sở Y tế, bên cạnh những cải tiến chất lượng rõ rệt và ưu điểm của các bệnh viện qua đợt kiểm tra trên, Sở Y tế ghi nhận một số vấn đề cần các bệnh viện đầu tư, quan tâm phát triển, như: hoạt động dinh dưỡng - tiết chế tại các bệnh viện chuyên khoa, hoạt động nghiên cứu khoa học ở một số bệnh viện chuyên khoa tư nhân và các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động chuyên môn...
Điểm chất lượng của bệnh viện thẩm mỹ thấp nhất
Theo PGS-TS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, qua đánh giá chất lượng bệnh viện cũng đã chỉ ra 10 bệnh viện có điểm chất lượng thấp nhất, trong nhóm này có nhiều bệnh viện thẩm mỹ.
Qua các ca có biến chứng sau phẫu thuật thẩm mỹ, Sở đã mời chuyên gia về gây mê – hồi sức, ngoại khoa, nội khoa, hồi sức cấp cứu để đánh giá, đúc kết. "Lãnh đạo Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện có khoa thẩm mỹ, bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ thì người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật và bác sĩ hành nghề phải đảm bảo an toàn trong gây mê hồi sức; tuân thủ các quy trình kỹ thuật được phê duyệt; phải đánh giá toàn diện khách hàng, lưu ý nguy cơ kèm theo", PGS-TS Anh Dũng nói.
Về tiêu chí đánh giá toàn diện khách hàng, theo PGS-TS Anh Dũng, vì người đi làm đẹp là khách hàng chứ không phải người bệnh, nếu khách hàng chưa cho phép thì không được làm. Vì phẫu thuật thẩm mỹ không phải là cấp cứu, không khẩn cấp, càng không ảnh hưởng đến tính mạng. Nếu khách hàng làm phẫu thuật thẩm mỹ mà vừa điều trị viêm phổi bằng kháng sinh 1 tuần trước là điều không thể chấp nhận được.
"Sở Y tế đã bổ sung khuyến cáo mới là tăng cường an toàn trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Phải luôn tuân thủ 8 nhóm tiêu chí trong bộ an toàn phẫu thuật. Phải giải thích cái lợi, cái hại và cái nguy cơ cho khách hàng mình biết để chọn lựa chứ không phải chỉ nói cái làm đẹp. Bệnh viện thẩm mỹ phải nhận diện và xử trí được những vấn đề xảy ra trong quá trình mổ và sau mổ để nhanh chóng hội chẩn và báo động đỏ liên viện nếu đó là tình huống nguy cấp để xử trí, giữ tính mạng cho khách hàng", PGS-TS Anh Dũng chỉ đạo.
Ông cũng lưu ý, ở các bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, danh mục kỹ thuật được duyệt chỉ thấy để gây mê trong mổ thẩm mỹ. Còn khi có vấn đề thuộc chuyên khoa hồi sức cấp cứu, nội khoa khác cần những chuyên gia khác, do đó, ngay lập tức hội chẩn để xử trí tốt. Sở Y tế đang nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn chất lượng trong phẫu thuật thẩm mỹ.
Cuối cùng ông yêu cầu các cơ sở phải báo cáo sự cố y khoa nếu gặp tình huống đe dọa tính mạng khách hàng, để ngành vừa có giải pháp cứu khách hàng, vừa có giải pháp quản lý nhà nước.