Bệnh nhân nữ (37 tuổi), bị biến chứng sau khi tiêm filler vùng mũi má tại một cơ sở "người quen".
Một giờ sau khi tiêm, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng đau vùng tiêm kèm dấu hiệu thiểu dưỡng xung quanh vùng cánh mũi, sống mũi, lan ra quanh miệng bên trái và một phần vùng trán. Sau đó, bệnh nhân tự tiêm thuốc tan tại spa, tình trạng này không được cải thiện mà còn xuất hiện thêm mụn nước xung quanh vị trí tiêm.
Theo ThS.BS Tạ Thị Hà Phương, Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh nhân đã đến khám sau khi các biểu hiện nặng lên, được chẩn đoán biến chứng tắc mạch sau tiêm filler do kỹ thuật tiêm không đúng kỹ thuật bởi người không có chuyên môn. Đây là biến chứng hay gặp gần đây với những người tiêm filler ở cơ sở không uy tín.
Các bác sĩ tại khoa đã điều trị kháng sinh, chăm sóc tại chỗ cùng hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có thể gặp những di chứng về thể chất hoặc tinh thần.
"Việc lựa chọn cơ sở làm đẹp uy tín, có chuyên môn đã được thẩm định bởi các cơ quan có thẩm quyền, sử dụng những loại thuốc tiêm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cơ quan chức năng cho phép sử dụng rõ ràng là rất quan trọng để tránh gặp phải các biến chứng khó lường khi tiêm filler. Sự lựa chọn kỹ càng này không chỉ mang lại kết quả làm đẹp tốt mà còn đảm bảo an toàn và tránh xa khỏi các biến chứng không mong muốn" - ThS.BS Tạ Thị Hà Phương nói.
Tuy nhiên, không phải tất cả các cơ sở làm đẹp đều đảm bảo chất lượng và an toàn. Bên cạnh những cơ sở có chuyên môn, có kiểm định, vẫn tồn tại nhiều cơ sở "chui" với kỹ thuật viên không được đào tạo bài bản, thậm chí không có kiến thức về y học, làm việc một cách không an toàn.
Biến chứng do tiêm filler có thể chia làm 2 nhóm chính: liên quan đến kỹ thuật tiêm, và sử dụng chất làm đầy không được cấp phép. Trong đó, biến chứng do kỹ thuật tiêm nghiêm trọng nhất có thể gặp phải là tiêm vào mạch máu.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...