Bác sĩ, kỹ thuật viên xạ trị cần có chứng chỉ hành nghề
Tại hội nghị, TS-BS Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đưa ra ý kiến rằng Việt Nam cần phải có cơ quan quản lý chất lượng xạ trị đồng bộ tất cả bệnh viện.
Theo TS-BS Thịnh, hiện Việt Nam vẫn chưa có hệ thống các quy chuẩn đảm bảo chất lượng và an toàn trong xạ trị, cũng như chưa có hệ thống báo cáo sự cố mức độ cấp quốc gia dành riêng cho xạ trị. Do đó, an toàn trong xạ trị luôn là mối quan tâm lớn của những chuyên gia, kỹ sư và bác sĩ trong ngành.
Ngoài ra, TS-BS Đặng Huy Quốc Thịnh cho rằng, các bác sĩ thực hiện xạ trị cần phải có chứng chỉ xạ trị, kể cả kỹ thuật viên xạ trị cũng cần có chứng chỉ giống như các ngành thẩm mỹ, da liễu... Cần phải có cơ quan đầu mối cấp phép, chứng chỉ hành nghề cho các bác sĩ, kỹ thuật viên xạ trị hoạt động.
Theo bác sĩ Thịnh, các chức danh nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xạ trị ung thư như chức danh bác sĩ xạ trị, kỹ thuật viên xạ trị vẫn chưa được công nhận chính thức, không nằm trong hệ thống chức danh nghề nghiệp của các bộ liên quan. Thậm chí, chưa có chương trình đào tạo chính thức cho các chức danh nghề nghiệp này.
Xây dựng trung tâm trị liệu proton quốc gia
Tại hội nghị, PGS Michael Wang, khoa Xạ trị ung thư thuộc Trung tâm ung thư Quốc gia Singapore đã có bài báo cáo về trung tâm trị liệu proton quốc gia. Cụ thể, theo PGS Michael Wang liệu pháp proton là liệu pháp điều trị ung thư tiên tiến có khả năng giảm thiểu những tác dụng phụ thường thấy trong xạ trị truyền thống.
PGS Michael Wang chia sẻ, liệu pháp proton có thể giảm thiểu đi tác dụng phụ vì các chùm tia proton có thể đi vào cơ thể với liều lượng thấp hơn so với xạ trị truyền thống. Cơ chế hoạt động của hệ thống trị liệu là bắn hạt proton thẳng vào khối u và hạt này sẽ giải phóng năng lượng ngay tại đó. Các tế bào khỏe mạnh phía trước khối u sẽ chỉ phải chịu một lượng phóng xạ thấp còn các tế bào phía sau sẽ không hề hấn gì.
Mô khỏe mạnh xung quanh khối u ít bị phơi nhiễm hoặc hoàn toàn không bị ảnh hưởng, dẫn đến việc tiếp xúc bức xạ ít hơn, và các tác dụng phụ lâu dài sẽ không nhiều hoặc ít nghiêm trọng hơn so với xạ trị truyền thống.
Liệu pháp proton hữu ích trong việc điều trị nhiều loại ung thư như ung thư não, thực quản, đường tiêu hóa, đầu và cổ, gan, ung thư hạch, tuyến tiền liệt, mô mềm và cột sống. Liệu pháp này phù hợp cho cả người lớn và trẻ em.
Tại các nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Ấn Độ, Châu Âu, Singapore và Thái Lan … đã xây dựng nhiều trung tâm trị liệu proton.
Tại Singapore, các tài liệu lâm sàng đã chỉ ra rằng trong tổng số bệnh nhân xạ trị được khám tại một trung tâm ung thư thì có khoảng 15% bệnh nhân có đủ điều kiện nhận liệu pháp xạ trị proton. Một cơ sở lâm sàng cho liệu pháp proton được thành lập vào năm 2012 vào năm hoạt động thứ 4, cơ sở đạt công suất tối đa tải 1000 bệnh nhân hàng năm ở trạng thái ổn định.
PGS Michael Wang đánh giá cao thiết bị máy móc cũng như trình độ của đội ngũ nhân lực phòng và điều trị ung thư của Việt Nam đã ngang tầm với các nước hàng đầu trong khu vực và thế giới. Vì vậy Việt Nam hiện đủ khả năng để phát triển, ứng dụng các công nghệ hiện đại như xạ trị proton để mang lại hiệu quả cao hơn.
Nếu Việt Nam có thể đầu tư máy xạ trị proton thì không chỉ khắc phục được những điểm yếu của xạ trị truyền thống. Ngoài ra, còn góp phần thu hút bệnh nhân ung thư điều trị trong nước, không phải đi nước ngoài, thậm chí thu hút bệnh nhân từ các nước trong khu vực đến Việt Nam điều trị.
Theo số liệu Globocan 2022 vừa được công bố vào đầu tháng 3 năm nay, Việt Nam có khoảng 180.400 ca mới và hơn 120.000 ca tử vong do ung thư. Riêng tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, năm 2023, bệnh viện đã đón nhận gần 800.000 lượt bệnh nhân đến khám và có hơn 180.000 lượt xạ trị.