Ranh giới Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải được xác định bằng 33 điểm tọa độ với tổng diện tích 12.500 ha; trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 2.726 ha, phân khu phục hồi sinh thái là 9.774 ha.
Theo quyết định, ranh giới Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải được xác định bằng 33 điểm tọa độ với tổng diện tích 12.500 ha; trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 2.726 ha, phân khu phục hồi sinh thái là 9.774 ha. Vùng đệm của khu bảo tồn có diện tích 3.446,5 ha được xác định bằng 40 điểm tọa độ, có khoảng cách 1.000 mét tính từ ranh giới khu bảo tồn.
Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải được xác định nằm ở vùng ngoài đê số 5, số 6 của H.Tiền Hải; phía bắc giáp với vùng cửa Trà Lý và quy hoạch khu đô thị dịch vụ Cồn Vành - Cồn Thủ; phía nam giáp cửa Ba Lạt và quy hoạch khu đô thị dịch vụ Cồn Vành - Cồn Thủ; phía tây giáp với khu quy hoạch nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, quy hoạch khu đô thị dịch vụ Cồn Vành - Cồn Thủ, khu lấn biển và khu quy hoạch phố biển Đồng Châu; phía Đông giáp với biển Đông.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lại Văn Hoàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, cho biết: "Qua việc xác lập vị trí, ranh giới, diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, tỉnh Thái Bình tập trung chú trọng dành nguồn lực tiếp tục bảo tồn và phát triển khu bảo tồn. UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT quản lý, chỉ đạo trực tiếp Ban Quản lý khu bảo tồn đất ngập nước Thái Bình.
Các sở, ban, ngành có liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp tạo điều kiện hỗ trợ Ban Quản lý Khu bảo tồn thực hiện tốt các chương trình, mục tiêu của khu bảo tồn; phối hợp và hỗ trợ Ban Quản lý Khu bảo tồn quản lý khách du lịch, đặc biệt khách quốc tế trong quá trình điều hành các chuyến du lịch sinh thái và nghiên cứu khoa học ở khu vực"
Theo ông Lại Văn Hoàn, quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Bình là không đánh đổi tăng trưởng kinh tế đơn thuần dẫn đến sự tàn phá, hủy hoại môi trường sinh thái, mà trước hết là môi trường biển.
"Việc xác lập khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải là minh chứng khẳng định rõ chủ trương của tỉnh về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.
Đây không chỉ là nơi sinh kế của một bộ phận dân cư, nơi che chắn mưa giông, bão biển, nơi quần tụ của nhiều loài thủy sinh và chim muông quý hiếm mà còn thể hiện cam kết của tỉnh Thái Bình với các tổ chức quốc tế về bảo vệ môi trường, phát triển Khu dự trữ sinh quyển thế giới", ông Hoàn nhấn mạnh.
Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Thái Bình cam kết thực hiện đúng quy định các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường; chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường; không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Tại buổi hội nghị, ông Lại Văn Hoàn cũng đề nghị các bộ, ngành T.Ư hỗ trợ về chuyên môn, các nguồn lực, các chương trình dự án, huy động nguồn lực từ các tổ chức trong và ngoài nước, các doanh nghiệp, người dân chung tay bảo tồn.
Nguồn: thanhnien.vn
Đang gửi...