Nghệ An đang đứng trước nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn xảy ra sớm và trên diện rộng.
Ngày 30.5, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trường Thành – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An – cho biết, vụ Hè Thu – Mùa năm 2023 đang đứng trước nguy cơ khó khăn về nguồn nước tưới.
Theo đó, kế hoạch diện tích tưới, tiêu, cấp nước vụ Hè Thu – Mùa 2023 của tỉnh Nghệ An là 109.718,5 ha, trong đó diện tích lúa 81.534,6 ha, diện tích rau màu các loại 7.812,9 ha, tạo nguồn 17.048,1 ha, nuôi trồng thủy sản 1.139,9 ha.
Theo thông tin dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tượng El Nino (pha nóng) có khả năng xuất hiện vào nửa cuối mùa hè 2023 với xác suất khoảng 80-85%; Trong tháng 6.2023, nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn từ 0,50C so với trung bình nhiều năm; từ tháng 7 – 9.2023 nhiệt độ phổ biến cao hơn từ 0,5-1,00C so với trung bình nhiều năm, lượng dòng chảy đến hồ thủy điện Bản Vẽ có xu thế thấp hơn trung bình nhiều năm từ 35-38%.
Tỉnh Nghệ An có hơn 1.061 hồ đập, đến thời điểm hiện nay có 709 hồ có dung tích trên 50% dung tích thiết kế; các hồ chứa còn lại dưới 50% dung tích thiết kế.
Mực nước thượng lưu hồ thủy điện Bản Vẽ lúc 7 giờ ngày 29.5 là 161,84 m/thiết kế 200 m; Dung tích hiện tại là 587,44 triệu m3 nước, đạt dưới 32,0% so với dung tích thiết kế; Lưu lượng về hồ là 25,0 m3/s; cách mực nước chết 6,84m, ứng với với lưu lượng hữu ích là 135,84 triệu m3 nước. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, thời gian tới lượng mưa không đáng kể, mực nước sông Lam có xu hướng giảm.
“Với thực trạng nguồn nước hiện tại, mực nước hồ chứa Bản Vẽ xuống rất thấp và từ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn nói trên, việc cấp nước cho dân sinh và sản xuất nông nghiệp vụ Hè Thu năm 2023; trong những tháng giữa cuối mùa khô năm 2023 sẽ gặp khó khăn, nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn có thể xảy ra sớm và trên diện rộng” – Chi cục Thủy lợi Nghệ An dự báo.
Để khắc phục tình trạng hạn hán, chủ động nguồn nước tưới cho sản xuất vụ Hè thu – Mùa năm 2023, ngành thủy lợi Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp.
Cụ thể, rà soát tình hình nguồn nước; Lập phương án tưới chống hạn cho từng vùng, từng công trình và thực hiện khi hạn hán thiếu nước xảy ra; Bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở vùng không đảm bảo chủ động về nguồn nước trong cả vụ sản xuất.
Phối hợp, làm việc với Công ty thủy điện: Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê để đảm bảo xả lưu lượng nước đáp ứng nhu cầu dùng nước phục vụ sản xuất, dân sinh cho vùng hạ du.
Quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống rò rỉ thất thoát, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường sử dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn; Tổ chức nạo vét hệ thống kênh mương, các cửa vào cống lấy nước, bể hút các trạm bơm tưới đảm bảo dẫn nước, thông thoáng từ đầu mối tới mặt ruộng, tận dụng mọi nguồn nước phục vụ sản xuất.
Cùng với đó là các giải pháp như tập trung lấy nước vào hệ thống khi các hồ thủy điện xả để tăng nguồn nước; tận dụng đầm, ao hồ, bàu biền, sông cụt, các kênh trục lớn để tích trữ nước nội đồng; Lắp đặt các trạm bơm dã chiến; bảo dưỡng máy móc thiết bị, sẵn sàng vận hành bơm chống hạn.
Tổ chức quản lý vận hành các hệ thống và các công trình thuỷ lợi phù hợp, tiết kiệm nước. Riêng đối với vùng hồ chứa, ngành thủy lợi khuyến cáo các hộ sản xuất cần chủ động gieo cấy đúng kế hoạch, không gieo cấy ở khu tưới của những hồ không đảm bảo đủ nước tưới suốt vụ.
Nguồn: moitruongvadothi.vn
Đang gửi...