Hiện nhiều sông, suối, hồ đập… đã khô cạn hoặc nước xuống rất thấp dẫn đến khó khăn về nguồn nước tưới, sinh hoạt.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh hiện có 69 hồ đã cạn nước, 191 hồ có dung tích nước dưới 50% và 115 hồ còn từ 50 - 70%... Trên các sông ở tỉnh Đắk Lắk, lượng dòng chảy phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 20 - 40%; mực nước ngầm có xu thế hạ, hiện thấp hơn từ 1,55 - 2,02 m so với thời điểm tháng 3.
Ông Mai Trọng Dũng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, cho biết diện tích đang bị hạn trên địa bàn tỉnh khoảng 4.958 ha cây trồng các loại. Các vùng chuyên canh cà phê và cây ăn quả lâu năm có diện tích khô hạn lớn, như H.Krông Búk có 903 ha, H.Krông Năng có 992 ha… Còn vùng sản xuất lúa bị khô hạn nhiều là H.Lắk có 803 ha, H.Buôn Đôn có 652 ha... "Từ nay đến cuối vụ, dự báo tổng lượng mưa có thể thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước với diện tích bị ảnh hưởng tăng lên từ 5.000 - 8.000 ha", ông Dũng nói.
Ghi nhận thực tế, những ngày qua, tình trạng nắng nóng cũng diễn ra trên khắp tỉnh Đắk Nông. Nhiều ao, hồ, sông, suối ở các huyện Đắk Mil, Krông Nô, Cư Jút… đã cạn trơ đáy. Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết đã có 31 công trình hồ chứa trên địa bàn đã hết nước hoặc sắp cạn kiệt nguồn nước. Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài, không xuất hiện mưa, khoảng 3.450 ha cây trồng tại H.Đắk Mil, 4.510 ha tại H.Krông Nô, 2.000 ha tại H.Cư Jút có nguy cơ thiếu nước tưới.
Tại H.Đăk Hà có 15.000 ha cà phê, đây được xem là vùng trồng cà phê trọng điểm của tỉnh Kon Tum. Do nắng nóng kéo dài khiến nhiều vườn cà phê héo rũ, đọt non bị nắng thiêu đốt đã quắt lại, khô cong. Thiệt hại nặng nhất xảy ra đối với diện tích nằm ngoài vùng tưới của các công trình thủy lợi. Theo UBND H.Đắk Hà, hiện có hơn 71 ha cà phê ở thôn Bình Minh, xã Hà Mòn đã không còn nước tưới do hồ chứa nước cạn kiệt. Ngoài ra, các hồ thủy lợi với dung tích lớn tại H.Đắk Hà cũng đang dần cạn kiệt.
Khoan giếng vẫn không tìm được nước
Tại H.Đạ Huoai - thủ phủ sầu riêng của tỉnh Lâm Đồng, hạn hán xảy ra suốt vài tháng qua, lượng mưa trung bình trên địa bàn rất thấp, khiến nhiều ao, hồ, sông, suối trơ đáy. Theo Phòng NN-PTNT H.Đạ Huoai, toàn huyện có khoảng 800 ha cây trồng thiếu nước tưới. Ông Nguyễn Văn Khoa, một hộ dân H.Đạ Huoai có hơn 2,5 ha sầu riêng, cho biết do nắng hạn kéo dài đã thiếu nước tưới hơn 1 tháng nay. Hiện có nhiều cây sầu riêng chết khô không thể phục hồi, có gần 40% số cây trong vườn rụng lá, rụng trái và khô ngọn do thiếu nước lâu ngày. Gia đình ông Khoa bỏ chi phí hơn 120 triệu đồng khoan 2 giếng, mỗi giếng sâu 120 m nhưng vẫn không tìm được nước để tưới cứu vườn sầu riêng.
Theo ông Nguyễn Văn Tú, Trưởng phòng NN-PTNT H.Đạ Huoai, để khắc phục tình trạng nắng hạn, nhiều hộ dân tự khoan giếng để có nguồn nước tưới cho sầu riêng và các loại cây trồng khác. Riêng ở xã Hà Lâm, nhiều nông hộ phải đầu tư hệ thống ống dẫn nước cách xa từ 3 đến 5 km để cứu vườn sầu riêng bị khô hạn. "Thời gian ngắn tới đây, nếu trên địa bàn H.Đạ Huoai không có mưa sẽ tăng thêm 350 ha cây trồng thiếu nước", ông Nguyễn Văn Tú nói.
Tỉnh Gia Lai có diện tích trồng cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, chanh dây… khá lớn, đòi hỏi lượng nước tưới không nhỏ. Nhưng hạn hán kéo dài trong những tháng qua khiến nguồn nước tưới tại tỉnh này bị sụt giảm, thiếu hụt. Người dân phải tìm kiếm nhân công nạo giếng, vét hồ tìm nước tưới. Thời điểm này, thợ khoan giếng ở Gia Lai làm không hết việc, phải từ chối nhiều người kêu khoan giếng.
Tính đến ngày 24.4, trên địa bàn Gia Lai đã ghi nhận thiệt hại do hạn hán gần 10 tỉ đồng, với hơn 379 ha cây trồng các loại bị thiệt hại.
Tìm giải pháp thích ứng hạn hán
Trước tình hình nắng hạn gay gắt, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành chỉ thị tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán thiếu nước. UBND tỉnh Đắk Nông cũng đã chỉ đạo UBND các huyện và TP.Gia Nghĩa chủ động thực hiện các giải pháp thuộc thẩm quyền để hỗ trợ người dân khắc phục những ảnh hưởng của hạn hán trên địa bàn quản lý.
Còn tại Gia Lai, theo Sở NN-PTNT tỉnh, toàn tỉnh có hơn 44.000 ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, gồm hơn 12.500 ha cà phê, 10.400 ha cây ăn quả, 2.400 ha hồ tiêu... Trong đó, diện tích do người dân tự đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước hơn 33.200 ha, doanh nghiệp đầu tư hơn 9.000 ha và nhà nước đầu tư hơn 140 ha. Tuy nhiên, diện tích áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước còn thấp so với tổng diện tích đất canh tác cây trồng của tỉnh Gia Lai do chi phí đầu tư hệ thống tưới này khá cao, bình quân 30 - 40 triệu đồng/ha.