CIP phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE) tài trợ cho sáng kiến tặng thùng rác cho ngư dân trong Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 2023.
Mới đây, Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) vinh dự tham gia Lễ phát động Tuần lễ Biển & Hải đảo Việt Nam 2023, hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới & Ngày Đại dương Thế giới 2023 tại thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. Lễ phát động có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, các lãnh đạo Bộ Tài nguyên & Môi trường, đại diện các tổ chức quốc tế, cùng lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, HĐND, các Sở, ban, ngành tỉnh Nghệ An.
Trong khuôn khổ chương trình, ông Stuart Livesey, CEO của Copenhagen Offshore Partners Việt Nam và Công ty CP Phát triển Dự án Điện gió La Gàn đã tài trợ và trao tặng 100 thùng rác cho ngư dân Việt Nam, khuyến khích ngư dân thu gom rác thải trong các chuyến đánh bắt ngoài khơi, sau đó tập kết và xử lý rác an toàn trên bờ nhằm bảo vệ và gìn giữ môi trường biển. Cũng trong khuôn khổ Lễ phát động, ông Stuart Livesey đã cùng đoàn đại biểu tham gia hoạt động trồng cây xanh và dọn rác dọc bờ biển.
Lo ngại nạn xả rác của các tàu cá
Hoạt động đánh bắt ngoài khơi dù vô tình hay hữu ý đang thải ra môi trường nhiều loại rác thải khác nhau như lưới đánh cá, khay đựng cá, phuy nhựa đựng nước ngọt, dây thừng, chai và túi nhựa, vỏ mì ăn liền, thùng xốp, v.v. Theo một nghiên cứu vào năm 2021 của Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản, ước tính có khoảng 4-6 kg chất thải nhựa được tạo ra trên mỗi thuyền đánh cá từ 7-10 người trong một chuyến đi kéo dài từ 10-12 ngày. Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thống kê tàu khai thác thủy sản của cả nước có chiều dài từ 6m trở lên phát sinh hơn 64.100 tấn rác thải nhựa mỗi năm. Chất thải nhựa này thường nằm rải rác trên các bãi biển hoặc trở thành một phần của môi trường biển và thậm chí là một phần của chuỗi thức ăn.
Tuy nhiên, ngư dân Việt Nam từ trước đến nay hiếm khi có thói quen thu gom rác và mang về đất liền để xử lý. Hầu hết rác thải được đổ thẳng ra đại dương và có thể trôi nổi trên mặt nước từ năm này qua năm khác, hoặc bị sóng đánh trở lại bờ và chất đống dọc bờ biển. Điều này không chỉ gây mất mỹ quan mà nghiêm trọng hơn, tiềm ẩn mối đe dọa khó lường đối với môi trường và sinh vật biển.
Rác thải khó phân hủy không chỉ ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển mà còn ảnh hưởng đến môi trường sống của con người. Rác thải nhựa trôi nổi trên mặt nước lâu ngày sẽ bị ánh nắng mặt trời đốt nóng, cuối cùng sẽ bị phân hủy thành các hạt nhỏ hơn, nhưng không phân hủy hoàn toàn mà sẽ biến thành các hạt vi nhựa có thể tồn tại trong môi trường biển hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm năm. Cá, động vật có vú và bò sát biển có thể nhầm rác thải nhựa với thức ăn và ăn chúng hàng ngày, chẳng hạn như rùa biển thường nhầm túi nilong là sứa, vốn là thức ăn ưa thích của rùa. Các mảnh nhựa sẽ không bị phân hủy trong bụng cá, lâu ngày tích tụ làm tắc nghẽn hệ tiêu hóa, gây hại cho sức khỏe của cá. Thêm vào đó, sức khỏe của con người cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng khi ăn những loài hải sản này.
Đã đến lúc thay đổi thói quen
Với mong muốn lan tỏa thông điệp bảo vệ đại dương đến đông đảo cộng đồng ngư dân Việt Nam, CIP phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE) tài trợ cho sáng kiến tặng thùng rác cho ngư dân trong Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 2023.
Ông Stuart Livesey chia sẻ: “CIP cam kết hỗ trợ hết mình trong các hoạt động nâng cao tính bền vững của môi trường biển, không chỉ gói gọn trong việc sản xuất năng lượng xanh, mà còn trong việc duy trì và cải thiện sư đa dạng sinh học của động thực vật biển khi có cơ hội. Điều quan trọng là phải nâng cao nhận thức của các chủ thuyền và ngư dân về lợi ích có được từ việc thu gom và xử lý rác thải thay vì đổ xuống biển. Những thùng rác này sẽ giúp ngư dân dễ dàng thu gom và đưa rác thải trở lại đất liền để xử lý một cách phù hợp. Khi biển bị ô nhiễm bởi nhựa và các chất thải khác, sinh kế của ngư dân sẽ bị ảnh hưởng trước tiên, đặc biệt khi nguồn cung hải sản ngày càng giảm. Việc thiếu hải sản có nguồn gốc bền vững và sự hiện diện của hạt vi nhựa trong hải sản được đánh bắt để xuất khẩu cũng sẽ đe dọa đến khả năng tiêu thụ trên thị trường quốc tế. Hạt vi nhựa đang là mối lo ngại ngày càng rõ rệt với nhiều thị trường, những nơi có thể từ chối nhập khẩu hải sản từ các khu vực ô nhiễm nếu bị đánh giá là có nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người”.
“Việc thu gom các loại rác sử dụng một lần, khó phân hủy để mang về bờ sẽ góp phần làm sạch biển, bảo vệ nguồn thủy sản cho các thế hệ con cháu mai sau”, một ngư dân ở Nghệ An cho biết.
Thói quen mới với quyết tâm bảo vệ môi trường biển đi kèm với ước vọng ấm no khi những mẻ lưới tôm cá sẽ ngày một nặng hơn sau mỗi chuyến ra khơi. Thông điệp rất rõ ràng với hai vế, khi con người giảm áp lực cho môi trường bằng cách thu gom rác thải biển và xử lý một cách an toàn, thì sản lượng đánh bắt thủy hải sản sẽ ngày càng tăng và biển sẽ ngày càng trong xanh, sạch đẹp hơn.
Nguồn: moitruongvadothi.vn
Đang gửi...