"Mặc dù công tác tìm kiếm tạm dừng nhưng chúng tôi vẫn chỉ đạo tàu, thuyền ngư dân địa phương khi hành nghề nếu phát hiện dấu hiệu khả nghi hoặc thấy thi thể trôi nổi trên biển thì trình báo ngay với cơ quan chức năng. Đồng thời, chỉ đạo Đồn Biên phòng Lý Sơn tăng cường tuần tra, kiểm soát dọc bờ biển", đại tá Trần Tuấn Anh nói.
Khi xuất bến tại cảng Kỳ Hà (Quảng Nam), có 5 thuyền viên đăng ký làm việc trên tàu kéo và sà lan, gồm: Phạm Văn Hiệp, Đặng Minh Phương, Võ Tấn Khương, Võ Văn Nhiều và Bùi Minh Trí. Khi tàu kéo sà lan bị chìm trên biển, các cơ quan chức năng và gia đình vẫn không liên lạc được với những người này.
Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn đã huy động thêm phương tiện, lực lượng mở rộng khu vực tìm kiếm nạn nhân mất tích. Có 7 tàu tham gia tìm kiếm, trong đó 5 tàu chuyên dụng và 2 tàu chở khách. Khu vực tìm kiếm trải dài khoảng 66 hải lý.
Ngoài ra, lực lượng tìm kiếm cũng phát thông báo đề nghị tàu hàng, tàu cá hoạt động trong vùng biển Quảng Ngãi phối hợp tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời, sử dụng 2 thiết bị bay không người lái tìm kiếm quanh đảo Lý Sơn. Đội thợ lặn cũng được huy động tiếp tục tìm kiếm nơi sà lan bị chìm. Lực lượng biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cũng tổ chức tìm kiếm xuyên đêm, nhưng đến nay vẫn không có kết quả.
Như Thanh Niên đã thông tin, sáng 24.4, tàu LA-06695 kéo theo sà lan LA-06883 từ cảng Kỳ Hà (Quảng Nam) đi huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Khi đến khu vực biển cách đảo Lý Sơn khoảng 4 hải lý, sự cố xảy ra khiến cả tàu kéo và sà lan bị chìm. Cơ quan chức năng phát hiện được 4 thi thể gần vị trí xảy ra tai nạn. Sà lan bị chìm đã được kéo vào bờ, tàu kéo vẫn chìm dưới biển.
Cơ quan chức năng xác định tàu kéo LA-06695 kéo theo sà lan LA-06883 làm thủ tục rời cảng Kỳ Hà lúc 10 giờ ngày 23.4 và xuất bến lúc 11 giờ 30 cùng ngày. Hàng hóa trên sà lan là đá hộc chở từ cảng Kỳ Hà vào đảo Lý Sơn để phục vụ thi công đê chắn sóng cảng Bến Đình.