Ở nhà thì bị karaoke "kẹo kéo" tra tấn, ra đường ám ảnh bởi tiếng còi xe như muốn thủng màng nhĩ. Nỗi khổ này bao giờ chấm dứt? Những âm thanh chát chúa, quái dị từ những chiếc còi "độ, chế" mới thật đáng sợ, gây bất an và cả tai nạn giao thông cho người đi đường.
Không khó hình dung nỗi khiếp sợ của người đi đường, bỗng dưng phải nghe tiếng còi khủng khiếp sát bên cạnh. Nhiều ngôi nhà cách xa mặt đường lớn hàng trăm mét vẫn nghe rõ tiếng còi ôtô, đủ thấy âm lượng lớn đến mức nào. Mới 4 giờ sáng, tiếng còi xe thi nhau náo động, như xé toang màn đêm yên tĩnh.
Trước đây, một số xe máy cũng bày trò "cáo mượn oai hùm", gắn cả còi hơi với mục đích không gì khác hơn hù dọa khiến người đi xe máy phía trước hoảng hốt nép vào, tránh đường. Nhờ lực lượng chức năng thường xuyên ra quân, kiểm tra nồng độ cồn người lái xe lẫn tình trạng của phương tiện nên vấn nạn này đã giảm rõ rệt. Chỉ riêng còi ôtô với âm lượng vượt quá quy định vẫn được một số tài xế sử dụng dù thừa biết là sai luật.
Loại xe nào cũng có còi tương ứng, xe nào còi ấy, phù hợp với sức chở hoặc trọng tải của phương tiện. Không thể tùy tiện gắn thêm hay độ, chế cho tiếng kêu lớn hơn nhiều lần. Rất dễ gặp những xe tải nhỏ nhưng gắn còi công suất lớn, vừa lao vun vút vừa nhấn còi inh ỏi trên đường. Người tham gia giao thông thì ngán ngẩm lắc đầu và chỉ biết... thở dài.
Trong nhiều tình huống, vẫn phải nhờ tiếng còi xe để "nhắc" hoặc thông báo cho các phương tiện khác khi thật sự cần thiết. Tuy nhiên, việc lạm dụng bóp còi rất hay gặp ở tài xế chạy ẩu, bất tuân luật lệ. Đường Võ Nguyên Giáp (TP.Thủ Đức) chưa khi nào ngớt tiếng còi xe. Đèn xanh vừa bật lên đã nghe dồn dập âm thanh từ còi xe phía sau hối thúc phương tiện đằng trước. Người tuân thủ nghiêm túc quy tắc tham gia giao thông chẳng mấy khi dùng đến còi xe.
Tiếng ồn do hàng ngàn phương tiện giao thông lớn nhỏ đã quá sức chịu đựng của người dân, giờ bị "bồi" thêm tiếng còi inh tai nhức óc không khỏi khiến cộng đồng bức xúc. Xây dựng văn hóa giao thông không thể thiếu chi tiết dùng còi xe "có trách nhiệm".
Suy cho cùng, cái còi cũng không có lỗi, nguyên nhân nằm ở người bóp còi. Chuyện tháo còi hơi khi đăng kiểm, rồi gắn trở lại sau đó trở nên quá đơn giản với nhiều lái xe. Muôn kiểu đối phó nói trên chỉ có thể giải quyết triệt để bằng động thái kiểm tra, xử lý kiên quyết của cơ quan chức năng.
Khác với hành vi chạy quá tốc độ, lấn làn, lấn tuyến hay đi ngược chiều tìm chứng cứ qua hình ảnh, việc phát hiện lái xe sử dụng còi to phải thực hiện bằng kiểm tra, "khám tầm soát" trực tiếp. Quá trình tuần tra, kiểm soát dừng phương tiện đo nồng độ cồn kết hợp với kiểm tra thiết kế, phụ tùng xe cũng là biện pháp khả thi, giúp phát hiện vi phạm và "phạt nguội", tịch thu các loại còi xe không đúng quy định. Thực hiện đúng "xe nào còi ấy" và quan trọng hơn là giáo dục ý thức chấp hành của tài xế: hạn chế dùng còi mức thấp nhất, xem việc phải bóp còi trên đường là bất đắc dĩ.
Bấm còi xe tùy tiện, vô tội vạ cũng có thể xem như biểu hiện của tính ích kỷ, cá nhân luôn chực chờ lấn lướt quyền lợi của tập thể. Và cũng như nhiều lĩnh vực khác, rất cần sự vào cuộc quyết liệt từ lực lượng chấp pháp, kể cả xử lý tận gốc nguồn cung cấp còi "khủng".
Nguồn: congan.com.vn
Đang gửi...