Theo Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, việc bố trí phân luồng tại đây chưa thực sự hợp lý, hiệu quả, đặc biệt là luồng phương tiện di chuyển theo hướng từ TP.HCM - Đồng Nai. Trong khi đó hướng từ cầu An Hảo đi ra nút giao lại có hai đèn tín hiệu giao thông bố trí gần nhau dẫn đến dưới chân cầu vượt thường hay ùn ứ. Cũng theo Sở Xây dựng, nhiều diện tích trong khu vực ngã 4 đang để trống hoặc bố trí một số công trình công cộng chưa thực sự mang lại hiệu quả.
Qua ghi nhận thực tế, đoàn khảo sát đã đưa ra một số kiến nghị để phân luồng lại như sau: bố trí dải phân cách cứng theo hướng đi từ cầu An Hảo - quốc lộ 51, để ưu tiên giao thông cho phương tiện theo hướng từ Biên Hòa - Bà Rịa Vũng Tàu và hướng từ cầu Đồng Nai về vòng xoay Tam Hiệp.
Bố trí vòng xuyến tại hai phía cầu vượt để kéo giãn lượng phương tiện, giảm áp lực và giao cắt tại trung tâm nút giao, trong đó nghiên cứu ưu tiên cho phương tiện theo hai hướng quốc lộ 1 và quốc lộ 51.
Ngoài ra còn kiến nghị bổ sung cầu vượt cho phép xe máy đi thẳng qua nút giao (hướng song song với cầu hiện hữu). Đồng thời điều chỉnh thời gian đèn đỏ tại các điểm giao cắt nhằm hạn chế thấp nhất xung đột giữa các hướng.
Bộ GTVT bác kiến nghị đầu tư theo hình thức BOT
Nút giao ngã tư Vũng Tàu và cổng 11 (cùng trên quốc lộ 51) lâu nay là "điểm đen" giao thông của địa bàn tỉnh Đồng Nai. Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất Bộ GTVT cải tạo lại 2 nút giao trên với tổng vốn đầu tư hơn 13.000 tỉ đồng (trong đó, nút giao ngã tư Vũng Tàu hơn 4.700 tỉ đồng, cổng 11 gần 8.500 tỉ đồng). Cụ thể, đối với ngã tư Vũng Tàu đây sẽ là nút giao được thiết kế nhiều tầng và có kiến trúc hiện đại. Phương án cải tạo sẽ là chỉnh hầm cong rẽ trái thành hầm đi thẳng từ QL51 về cầu An Hảo và xây dựng thêm 1 đơn nguyên hầm để tạo thành 4 làn xe đi thẳng từ QL51 về cầu An Hảo và ngược lại.
Đồng thời xây dựng 4 nhánh rẽ trái trực tiếp bằng các nhánh cầu; xây dựng cầu thép nhẹ dọc theo QL1 cho xe máy đi thẳng theo hướng từ TP.HCM đi Bình Thuận; giao thông dưới cầu cho xe máy và ô tô rẽ phải. Theo đánh giá của Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, phương án này đáp ứng nhu cầu giao thông dài hạn trong tương lai (đến năm 2050) và có kiến trúc đẹp hiện đại, ít phải giải phóng mặt bằng và phù hợp với điều kiện mặt bằng khu vực nút giao. Chi phí đầu tư hơn 4.700 tỉ đồng.
Đối với nút giao Cổng 11, sẽ xây dựng 2 cầu vượt và các nhánh cầu vượt hoa thị, tổng mức đầu tư gần 8.500 tỉ đồng.
Về hình thức đầu tư, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị cho phép đầu tư 2 nút giao nêu trên theo hình thức BOT. Tuy nhiên Bộ GTVT đã bác kiến nghị này, lý do "Hiện nguồn lực đầu tư phân bổ cho đơn vị còn hạn chế, trong khi nguồn lực để hoàn thành hệ thống hạ tầng giao thông đến 2030 là rất lớn, đặc biệt đường bộ cao tốc và hệ thống hạ tầng đường sắt. Ngoài ra, các dự án BOT trong khu vực đã dừng thu phí, việc đầu tư bổ sung 2 nút giao trên vào hợp đồng dự án BOT là không khả thi".
Do đó, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo tư vấn hoàn thiện nội dung nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao địa phương chuẩn bị và thực hiện đầu tư 2 nút giao ngã tư Vũng Tàu và cổng 11 với sự tham gia của nguồn vốn ngân sách địa phương. Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với Đồng Nai trong quá trình thực hiện.