Mới đây, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã công bố những điểm mới trong công tác tuyển sinh ĐH chính quy năm 2025. Theo đó, trường sẽ duy trì 3 phương thức xét tuyển chính gồm: xét điểm thi tốt nghiệp THPT (20 - 40% chỉ tiêu); tổ chức thi và xét điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt (40 - 50% chỉ tiêu theo ngành); xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển (20 - 30% chỉ tiêu).
Như vậy, một điểm mới quan trọng nhất trong phương thức tuyển sinh từ năm 2025 của trường là không sử dụng phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT (xét học bạ). Trường loại bỏ yếu tố điểm học bạ ở cả 2 phương thức xét học bạ độc lập và kết hợp học bạ với điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt như năm trước đó. Năm tới, điểm học bạ chỉ là điều kiện ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để đáp ứng các yêu cầu theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.
Lý giải sự thay đổi này, thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết các năm trước trường dành khoảng 10% chỉ tiêu xét điểm học tập THPT. Thực tế tuyển sinh các năm gần đây cho thấy có những ngành chỉ tiêu chỉ khoảng 20 thí sinh, với 10% chỉ tiêu xét điểm học bạ thì phương thức này chỉ tuyển 2 người. Việc loại bỏ phương thức xét học bạ trước hết nhằm giảm bớt sự phức tạp trong các phương thức xét tuyển. "Nhưng nguyên nhân chủ yếu là từ những thay đổi trong kết quả học tập THPT ở chương trình mới so với trước đây", thạc sĩ Quốc nói thêm.
Chương trình Giáo dục phổ thông mới hướng đến đánh giá năng lực, phẩm chất đạt được theo yêu cầu cần đạt và các năng lực, phẩm chất này được sự đóng góp của nhiều môn học, hoạt động giáo dục. Theo thạc sĩ Quốc, kết quả học tập THPT của học sinh (HS) theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có nhiều khác biệt so với chương trình trước đó vì HS lựa chọn môn học, cụm chuyên đề học tập khác nhau. Ví dụ, giữa 2 HS cùng chọn môn sinh học nhưng 1 em có chọn cụm chuyên đề học tập gắn với môn sinh học, 1 em lại không chọn, thì kết quả học tập cuối cùng của 2 em này sẽ khác nhau dù mức điểm có thể bằng nhau.
Cũng theo thạc sĩ Quốc, chương trình Giáo dục phổ thông mới cho phép các trường, giáo viên tự chủ trong việc lựa chọn hình thức, phương pháp, công cụ đánh giá phẩm chất, năng lực HS. Ví dụ, khi thiết kế một chủ đề trong một môn học cùng đánh giá năng lực giao tiếp và hợp tác, có trường tổ chức hoạt động học tập, chỉ yêu cầu HS làm việc theo nhóm, thảo luận và trả lời một vấn đề nào đó, nhưng cũng cùng chủ đề đó có trường yêu cầu người học thực hiện một sản phẩm dự án rồi thông qua đó mới đánh giá. Các HS hoàn thành tốt nhất yêu cầu của nhiệm vụ được giao sẽ được đánh giá ở mức tối đa. Như vậy, dù cùng được quy đổi sang mức điểm tối đa nhưng thực chất năng lực của người học trong 2 trường hợp đó khác nhau.
"Do đó, kết quả học tập thể hiện trong học bạ THPT cũng khác nhau giữa các trường, cùng điểm 9 môn toán nhưng HS của trường này có thể khác với trường khác tùy theo cách đánh giá và thang đo, nếu để cần chính xác thì phải xem thêm kết quả nhận xét", thạc sĩ Quốc phân tích thêm.
Tuy nhiên, ông Quốc cho biết Trường ĐH Sư phạm TP.HCM vẫn giữ điểm học bạ là điều kiện ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để đáp ứng các yêu cầu theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Riêng phương thức xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt và ưu tiên xét tuyển riêng của trường, điểm học bạ là điều kiện cần đủ để thí sinh có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường cho cả ngành đào tạo giáo viên và ngành ngoài sư phạm.
THÍCH ỨNG VỚI SỰ THAY ĐỔI Ở CẤP THPT
Trường ĐH Nha Trang cũng có sự điều chỉnh tương tự khi chỉ sử dụng điểm học bạ trong sơ tuyển từ năm 2025. PGS-TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết trường xét tuyển theo phương thức kết hợp kết quả học tập THPT và kết quả đánh giá năng lực học tập ĐH. Trong đó, trường tổ chức sơ tuyển dựa vào kết quả học tập bậc THPT (học bạ) và đây được xem là điều kiện cần. Khi xét tuyển, trường chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc kết quả kỳ thi đánh giá năng lực.
Chia sẻ về định hướng tuyển sinh này, PGS-TS Phương cho biết 2025 là một năm bản lề với nhiều sự thay đổi trong giáo dục nước nhà khi đây là lứa thí sinh đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo chương trình Giáo dục phổ thông mới ban hành năm 2018 và tham gia xét tuyển ĐH. Kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 4 môn với 2 môn bắt buộc là toán và ngữ văn cùng 2 môn tự chọn. Như vậy, phương án tuyển sinh ĐH năm 2025 sẽ phải được điều chỉnh để thích ứng với sự thay đổi ở cấp THPT.
"Một lý do quan trọng trường điều chỉnh cách thức xét tuyển căn cứ vào học bạ THPT bởi từ năm 2025 kết quả học tập của HS trong học bạ khác hoàn toàn so với các năm trước. Học bạ này chỉ thể hiện những môn mà HS học. Do đó, trường chỉ có thể xét sơ tuyển điểm học bạ các môn học cần phải có và phù hợp với ngành đào tạo", PGS-TS Phương nhấn mạnh.
Năm 2025, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng thông báo dự kiến giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh so với năm 2024, gồm: xét tuyển thẳng (2% chỉ tiêu); xét tuyển kết hợp (83% chỉ tiêu) và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (15% chỉ tiêu). Trước đó, từ năm 2024 trường ĐH này đã bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ.
Trong khi đó, một số trường ĐH khác cũng "nói không" với xét học bạ nhiều năm nay như: Trường ĐH Y dược TP.HCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Sài Gòn…
Giảm chỉ tiêu xét học bạ
Không cắt bỏ nhưng một số trường ĐH khác có xu hướng giảm chỉ tiêu xét tuyển dựa vào học bạ THPT từ năm 2025.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng ĐH Duy Tân, cho biết năm 2025 ĐH này dự kiến bổ sung phương thức xét tuyển dựa vào kỳ thi V-SAT và giảm chỉ tiêu xét học bạ THPT. Cụ thể, trường chuyển 20% chỉ tiêu xét học bạ sang phương thức tuyển sinh mới xét điểm kỳ thi V-SAT (đồng thời giữ ổn định chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT).
Lý giải sự thay đổi này, tiến sĩ Võ Thanh Hải cho biết trường tính toán bổ sung phương thức xét tuyển bằng kết quả thi các môn văn hóa để sát hơn với chương trình đào tạo. Do đó, trong quá trình cân đối chỉ tiêu trường điều chỉnh giảm xét tuyển dựa vào học bạ THPT.
Cùng xu hướng này, tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết trường dự kiến sẽ đưa phương thức tuyển sinh theo hình thức thi tuyển sinh đầu vào ĐH V-SAT vào áp dụng từ năm 2025 với 10% chỉ tiêu. Do đó, trường sẽ điều chỉnh giảm chỉ tiêu xét tuyển học bạ THPT và chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT để phù hợp với tổng chỉ tiêu của trường.
Trường ĐH Công thương TPHCM cũng dự định có nhiều cải tiến trong cách thức tuyển sinh năm 2025. Theo đó, trường dự kiến dành từ 50 - 60% chỉ tiêu xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Đáng chú ý, trường giảm chỉ tiêu xét kết quả học tập THPT theo 5 học kỳ xuống còn 15 - 20%, tăng chỉ tiêu xét điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.