Mới đây, một nữ sinh viên năm 2 ở Trung Quốc đến đồn cảnh sát ở thủ đô Bắc Kinh để cầu cứu vì mẹ lắp camera trong phòng ngủ của cô.
Tại đồn cảnh sát ở thủ đô Bắc Kinh hôm 26.7, cô Li, nữ sinh viên 20 tuổi, cho rằng mẹ xâm phạm quyền riêng tư của con gái đã trưởng thành. Theo cô Li, cách nuôi dạy con cái cực đoan của mẹ khiến cô bị sang chấn tâm lý và cha mẹ thường đánh cô mỗi khi cô làm sai điều gì.
Nữ sinh viên nói với cảnh sát rằng cô bỏ nhà đi vì "muốn được tự do" và dự định tìm việc làm bán thời gian để không phải sống phụ thuộc vào cha mẹ. Bên cạnh đó, cô Li đã đến đồn cảnh sát cầu cứu vì nghĩ rằng cha mẹ sẽ trình báo con gái mất tích rồi “làm lớn chuyện”.
Sau đó, Sở cảnh sát Bắc Kinh thông tin cảnh sát đã liên hệ gia đình, đề nghị phụ huynh cho con gái đã trưởng thành có nhiều không gian riêng tư hơn. Cha mẹ của cô Li cũng đã đồng ý gỡ camera và nữ sinh viên đã trở về nhà.
Thông tin về sự việc được lan truyền trên mạng xã hội Weibo. Nhiều người dùng mạng xã hội chỉ trích việc cha mẹ lắp camera giám sát trong phòng ngủ của con gái đã trưởng thành.
"Thật kinh khủng. Không có không gian riêng tư nào mặc dù đã 20 tuổi", một người viết trên Weibo. Một người khác cho rằng phụ huynh nên lưu ý: trẻ em là cá nhân độc lập, không phải là đồ đạc của cha mẹ. "Ngay cả nhà tù cũng tôn trọng quyền riêng tư", một người khác nói. Số khác nhận xét nữ sinh viên dũng cảm chống phản đối việc cha mẹ xâm phạm không gian riêng tư và khôn ngoan đến cảnh sát để tránh rắc rối.
Mẹ "cảm ơn" camera vì giúp con học tập tốt hơn và cải thiện điểm số!
Đây không phải là lần đầu tiên câu chuyện cha mẹ lắp camera giám sát con cái bị lan truyền trên mạng xã hội.
Vào tháng 6.2024, sau khi con trai hoàn thành kỳ thi tuyển sinh đại học, một người mẹ ở tỉnh Giang Tô “gửi lời cảm ơn” chiếc camera đã "đồng hành cùng con trai tôi trong 6 năm qua". Người mẹ lập luận rằng camera lắp trong phòng ngủ của con trai chỉ nhằm mục đích giúp con “học tập tốt hơn và cải thiện điểm số".
Hồi năm 2019, một thiếu niên 14 tuổi ở tỉnh Giang Tô đã gọi điện báo cảnh sát về việc cha muốn lắp camera giám sát trong phòng, "xâm phạm quyền riêng tư của con".
Tuy nhiên, người cha cho rằng camera giám sát giúp ông ngăn chặn con trai ở nhà một mình, nghiện chơi game trong khi hai vợ chồng đi làm. Sau đó, ông còn chất vấn con trai rằng: "Con xứng đáng được hưởng bao nhiêu quyền riêng tư? Là cha, tại sao tôi lại không được phép quan sát con?".
Luật bảo vệ trẻ vị thành niên của Trung Quốc chỉ nêu: không tổ chức hoặc cá nhân nào được phép mở hoặc đọc thư, nhật ký và thông tin liên lạc trực tuyến của trẻ vị thành niên trừ trường hợp khẩn cấp, nhưng không quy định về việc sử dụng camera giám sát.
Trên mạng xã hội Trung Quốc, nhiều phụ huynh cũng đã thừa nhận họ đã lắp camera giám sát trong phòng ngủ của con mình.
Lắp camera trong nhà ở Việt Nam: khi nào xâm phạm quyền trẻ em?
Ở Việt Nam, không ít bậc phụ huynh có con nhỏ hoặc ông bà, cha mẹ cao tuổi lắp camera khắp nhà, bao gồm trong phòng ngủ, để tiện quan sát trong lúc đi làm.
“Kể từ lúc có con nhỏ. Tôi thuê người trông con và mẹ già ở nhà. Vợ chồng đi làm giờ hành chính nên tôi bắt đầu lắp camera đàm thoại 2 chiều khắp nhà, bao gồm phòng ngủ, để dễ quan sát. Tôi nghĩ điều này cũng giống như việc phụ huynh truy cập vào ứng dụng kết nối với camera giám sát ở trường mầm non để giám sát, cũng chưa rõ là đến mức nào thì mới xâm phạm quyền riêng tư”, chị Hà (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM), chia sẻ.
Tương tự, một số phụ huynh ở Việt Nam chỉ nghĩ đơn giản những chiếc camera giúp mình quản lý con cái tốt hơn trong lúc không ở nhà, chưa rõ hiểu rõ vấn đề pháp lý.
Về vấn đề này, tiến sĩ Đinh Thị Thanh Nga, Trưởng bộ môn pháp luật hành chính - hình sự, khoa Luật Trường ĐH Sài Gòn, đề cập đến Điều 21 Hiến pháp 2013, luật Trẻ em và Nghị định 56/2017/NĐ-CP để phụ huynh lưu ý:
- Điều 21 Hiến pháp 2013 đã ghi nhận quyền bí mật đời tư là quyền con người, thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
- Luật Trẻ em cũng khẳng định trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ, được bảo vệ chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư.
- Theo Nghị định 56/2017/NĐ-CP, thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân, địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em…
“Như vậy, quyền đối với bí mật đời tư là quyền gắn liền với con người không phụ thuộc vào độ tuổi. Cần hiểu rằng mặc dù cha mẹ là người nuôi dưỡng chăm sóc trẻ cũng không được xâm phạm quyền bí mật đời tư của trẻ”, tiến sĩ Nga lưu ý.
Về việc lắp camera giám sát, hiện luật không có quy định cụ thể cấm hay không nhưng cần hiểu mọi hành vi xâm phạm đến quyền bí mật đời tư của con người, bao gồm cả trẻ em là vi phạm pháp luật, trừ khi pháp luật có quy định khác.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nga, đối với trẻ dưới 7 tuổi, các hoạt động của trẻ cần được theo dõi chặt chẽ để đảm bảo an toàn về sức khỏe, tính mạng cho trẻ nên lúc này ta có thể cân nhắc vì lợi ích tốt nhất của trẻ. Phụ huynh cũng cần chú ý nguy cơ lộ các thông tin khi sử dụng camera tại nhà mà báo chí cũng nhắc đến trong thời gian gần đây.
Đối với trẻ từ 7 tuổi trở lên thì hoàn toàn khác. Độ tuổi lên 7 được nhắc đến tại điều 6 luật Trẻ em: “Cấm công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em”.
Do đó, việc cha mẹ lắp camera theo dõi trẻ tại phòng ngủ mà không có sự đồng ý của trẻ từ 7 tuổi trở lên là hoàn toàn trái pháp luật và rất không nên cả về khía cạnh tâm lý lẫn đạo đức. Vì lý do thật chính đáng nào đó thì nhất định phải được sự đồng ý của trẻ. Nếu cần hãy đặt ở phòng khách, phòng sinh hoạt chung và có sự thống nhất của trẻ cùng mọi thành viên trong gia đình, theo tiến sĩ Nga.
Tiến sĩ Nga cho hay: “Ngay cả khi trẻ đồng ý thì cha mẹ vẫn cần nói không với camera phòng ngủ, nhất là đối với trẻ càng gần tuổi thành niên. Việc theo dõi con cái bằng camera tại phòng ngủ ‘lợi bất cập hại’ bởi có nguy cơ rất cao lộ bí mật cá nhân của trẻ nếu camera bị kẻ xấu hack rồi phát tán video trên mạng”.
“Các bậc cha mẹ cần hiểu rằng mình sinh ra con nhưng con cần được tôn trọng như một con người độc lập và phải tạo điều kiện để con phát triển toàn diện chứ không phải kiểm soát con như một thứ của cải thuộc sở hữu của mình”, tiến sĩ Nga nói.