Phù hợp với điều kiện, khả năng đáp ứng của địa phương
Theo đó, đối với lớp 1 và lớp 2, các trường tiếp tục triển khai chương trình môn tiếng Anh tự chọn bảo đảm các yêu cầu được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đối với các ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh, gồm tiếng Đức, tiếng Hàn Quốc, tiếng Nga, tiếng Nhật, tiếng Pháp và tiếng Trung Quốc đã được Bộ GD-ĐT ban hành chương trình, căn cứ vào điều kiện triển khai của cơ sở giáo dục và nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh, khuyến khích các cơ sở giáo dục chủ động thực hiện dạy học tự chọn ở lớp 1 và lớp 2 và thực hiện lựa chọn tài liệu dạy học theo quy định của Bộ GD-ĐT.
"Khi triển khai dạy học tự chọn ngoại ngữ 1 ở lớp 1, lớp 2 cần chú ý bảo đảm tính liên thông với môn ngoại ngữ thực hiện bắt buộc từ lớp 3; thời lượng dạy học phù hợp với hình thức học làm quen ban đầu, không gây quá tải cho học sinh; thực hiện kiểm tra đánh giá. Trong đó chú trọng đánh giá thường xuyên để hỗ trợ học tập, không dùng kết quả đánh giá để xét lên lớp; việc học tự chọn ngoại ngữ 1 ở lớp 1, lớp 2 phải được thể hiện trong kế hoạch giáo dục của nhà trường theo quy định", Phó giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Bảo Quốc yêu cầu.
Cũng theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, đối với môn tiếng Anh sử dụng sách giáo khoa trong danh mục sách giáo khoa được Bộ GD-ĐT phê duyệt; các môn còn lại các cơ sở giáo dục thực hiện lựa chọn tài liệu theo thẩm quyền quy định.
Đối với học sinh lớp 3, lớp 4 và lớp 5, trong năm học mới 2024-2025, các trường triển khai thực hiện các giải pháp để tổ chức dạy học môn ngoại ngữ 1 bắt buộc; lựa chọn trong các môn ngoại ngữ 1 đã có đủ điều kiện triển khai (đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt danh mục sách giáo khoa) phù hợp với khả năng tổ chức của các cơ sở giáo dục, nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh, bảo đảm tính liên thông và theo các yêu cầu được quy định trong chương trình các môn ngoại ngữ và các văn bản chỉ đạo của Bộ GD-ĐT.
Các cơ sở giáo dục triển khai sử dụng hệ thống học liệu tiếng Anh trên máy tính và trực tuyến cấp tiểu học theo Kế hoạch số 160/KH-BGDĐT23 bảo đảm chất lượng, thiết thực, phù hợp với điều kiện, khả năng đáp ứng của địa phương.
Tùy theo điều kiện nhà trường, nhu cầu học sinh, cha mẹ học sinh
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, tùy theo điều kiện cụ thể của nhà trường và nhu cầu của học sinh, cha mẹ học sinh, các cơ sở giáo dục sau khi đã thực hiện các tiết dạy theo chương trình, có thể tổ chức hoạt động dạy ngoại ngữ tăng cường, bổ trợ, dạy ngoại ngữ với giáo viên người nước ngoài, dạy ngoại ngữ qua phần mềm, dạy ngoại ngữ qua toán và khoa học. Các trường có điều kiện có thể đăng ký thực hiện Đề án "Dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam" tại các trường công lập trên địa bàn TP.HCM, giúp học sinh đạt được các chuẩn đầu ra theo Quyết định số 2769/QĐ-UBND của UBND TP.HCM.
"Khuyến khích các cơ sở giáo dục thực hiện xã hội hóa theo tinh thần tự nguyện trong dạy học ngoại ngữ để tăng cường thời lượng học; dạy học ngoại ngữ qua các chủ đề toán và khoa học; dạy học một số môn học bằng tiếng nước ngoài. Tăng cường tổ chức cho giáo viên, học sinh học ngoại ngữ qua truyền hình, các phương tiện truyền thông, các nguồn học liệu phù hợp khác. Đẩy mạnh thực hành ngoại ngữ qua các hoạt động như đọc truyện, hoạt động trải nghiệm, tạo môi trường ngoại ngữ ngoài lớp học, các sân chơi, giao lưu cho học sinh theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT", lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết.