Hai năm vừa qua, Nghệ An đã được T.Ư bổ sung 5.056 giáo viên biên chế, trong đó có 2.187 suất biên chế hiện nay đang được các địa phương tuyển dụng. Trong bối cảnh thiếu nhiều giáo viên, được giao chỉ tiêu tuyển dụng là cơ hội vàng để bổ sung giáo viên và tạo việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm, thế nhưng, nhiều huyện đang thiếu giáo viên vẫn e ngại trong việc tuyển dụng vì phải thực hiện lộ trình giảm 10% giáo viên biên chế giai đoạn 2022 - 2026.
Hiện nay, ngành giáo dục Nghệ An có gần 49.000 viên chức, chiếm đến 85,17% tổng biên chế viên chức của tỉnh. Việc T.Ư giao tinh giản 10% viên chức đến năm 2026 buộc tỉnh phải nhắm vào ngành giáo dục để "chia lửa". Thế nhưng, nghịch lý là phải giảm 10% trong khi tỉnh này lại đang thiếu 6.721 giáo viên biên chế.
Trong báo cáo gửi các cơ quan T.Ư để xin tiếp 6.501 biên chế giáo viên mới đây, UBND tỉnh Nghệ An cho rằng khả năng tự chủ của các trường học trên địa bàn tỉnh hiện nay là rất khó nên không thể chuyển biên chế hưởng lương ngân sách sang biên chế hưởng lương tự chủ. Trong khi đó, về nguyên tắc, có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp. Tỉnh Nghệ An thừa nhận đang lúng túng trong việc tinh giản biên chế và giải quyết vấn đề thiếu giáo viên.
Không đủ giáo viên đứng lớp, Sở GD-ĐT Nghệ An đang phải kêu gọi các trường vận động giáo viên dạy thêm tiết không nhận thù lao hoặc chỉ nhận tượng trưng để bù cho các giáo viên đang bị thiếu, vì các trường không có kinh phí để chi trả cho khoản này. Số lượng học sinh ở Nghệ An được dự báo tiếp tục tăng trong những năm tới. Trong khi đó, mệnh lệnh giảm 10% viên chức biên chế vẫn cứ treo lơ lửng trên đầu ngành giáo dục.
Dư thừa mới cần tinh giản, còn thiếu vẫn phải tinh giản là điều không thể. Vì vậy, rất cần phải tháo "cái gông" này cho ngành giáo dục.