Khi đến điểm thi, TS sẽ được nhận thẻ dự thi. TS cần rà soát toàn bộ thông tin trên thẻ dự thi của mình, trong đó chú ý thông tin cá nhân và phần đăng ký môn thi, bài thi. Nếu phát hiện sai sót, TS phải báo ngay với giáo viên để được điều chỉnh kịp thời, tránh việc đến ngày thi chính thức mới phát hiện ra, gây ảnh hưởng đến tâm lý làm bài.
Về băn khoăn TS có thể dùng ứng dụng VNeID thay căn cước công dân trong quá trình làm thủ tục dự thi hay không, Bộ GD-ĐT đã khẳng định: TS không được phép sử dụng căn cước công dân trên ứng dụng VNeID để làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Điều này cũng đã được nêu rõ trong quy chế và hướng dẫn thi. Cụ thể: TS phải xuất trình bản chính giấy tờ tùy thân đã sử dụng để đăng ký dự thi khi làm thủ tục dự thi.
TS cần lưu ý ứng dụng VNeID được cài đặt trên điện thoại, trong khi điện thoại là một trong các vật dụng bị cấm mang vào phòng thi nên không thể dùng ứng dụng điện tử này để xác thực trong quá trình làm thủ tục dự thi.
Việc phòng ngừa, ngăn chặn gian lận công nghệ cao cũng được Bộ GD-ĐT đặc biệt nhấn mạnh.
Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Trưởng ban Chỉ đạo kỳ thi cấp quốc gia, cho biết nhiều năm qua, việc phòng chống gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao là một trong những việc quan trọng. Trong đó, lực lượng công an đã làm việc rất hiệu quả. Bộ GD-ĐT đã phối hợp các đơn vị chức năng của Bộ Công an tập huấn nghiệp vụ này cho tất cả cán bộ làm thi. Công an các tỉnh, TP cũng tập huấn về nhận diện các thiết bị công nghệ cao và nguy cơ TS có thể sử dụng cho cán bộ làm thi tại địa phương.
"Chúng tôi xác định lấy phòng ngừa, nhận diện, ngăn chặn là chính. Trong đó, tiếp tục đề cao vai trò của con người. Đồng thời làm tốt công tác truyền thông để TS hiểu rõ mức độ nghiêm trọng nếu bị phát hiện gian lận", ông Thưởng khẳng định và cho biết Bộ Công an và công an 63 tỉnh, thành vẫn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục để phòng chống gian lận bằng thiết bị công nghệ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.