Thi lớp 10 TP.HCM: Phó giám đốc Sở GD-ĐT lưu ý những việc không được làm

07:35 - 10/06/2024

Sáng nay, khoảng 98.600 thí sinh tại TP.HCM đã đến 160 điểm thi lớp 10 để làm thủ tục kiểm tra thông tin cá nhân, sinh hoạt quy chế thi, bắt đầu cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025 chính thức diễn ra trong 2 ngày 6-7.6.

Thi lớp 10 TP.HCM: Phó giám đốc Sở GD-ĐT lưu ý  những việc không được làm

Cán bộ coi thi kiểm tra thông tin thí sinh thi lớp 10 tại điểm thi Trường THCS Phan Bội Châu (Q.12)

NHẬT THỊNH

Lưu ý về việc sử dụng điện thoại

Theo đó, Sở GD-ĐT TP.HCM đã bố trí hầu hết các điểm thi lớp 10 là các trường THCS và một số ít trường THPT và phân bổ thí sinh sao cho thuận tiện di chuyển nhất có thể.

Sở GD-ĐT cũng đã huy động hơn 13.500 giáo viên làm cán bộ coi thi, hơn 2.300 nhân viên, bảo vệ, công an để phục vụ cho kỳ thi năm nay.

Trước khi kỳ thi lớp 10 chính thức bắt đầu vào sáng mai, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nhắc nhở thí sinh tuyệt đối không mang điện thoại vào phòng thi. Điểm thi nào có thí sinh vi phạm mang điện thoại vào phòng thi, trưởng điểm thi sẽ phải chịu trách nhiệm.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT cho hay, ngoại trừ những trường hợp cố tình mang điện thoại vào phòng thi thì vẫn có những thí sinh vô tình, quên nên mang theo điện thoại. Cán bộ coi thi, trưởng điểm thi lớp 10 có thể không nhắc nhở kỹ thí sinh dẫn đến tình huống điện thoại có chuông báo mới biết.

Chính vì vậy, ông Nam nhấn mạnh các điểm thi phải nhắc nhở rất kỹ với thí sinh việc này trong từng buổi thi, ngày thi. Sở GD-ĐT sẽ nâng cao, xem xét trách nhiệm của lãnh đạo điểm thi, cán bộ giám thị nếu có thí sinh vi phạm mang điện thoại vào phòng thi.

Thi lớp 10 TP.HCM: Phó giám đốc Sở GD-ĐT lưu ý  những việc không được làm

Lãnh đạo điểm thi lớp 10 kiểm tra khu vực bảo quản đề thi

ĐÀO NGỌC THẠCH

Thí sinh cần có mặt tại phòng thi đúng giờ quy định đối với từng buổi thi, mang theo những giấy tờ cần thiết đã được giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn và có thông báo rõ trong phiếu báo danh của mình. Trong trường hợp bị thiếu một trong số các giấy tờ, thí sinh cần liên hệ với cán bộ coi thi, người làm nhiệm vụ tại điểm thi để có sự điều chỉnh kịp thời.

Ông Lê Hoài Nam cho hay các phòng thi sẽ được sắp xếp theo số báo danh, có tối đa 24 thí sinh/phòng, khoảng cách tối thiểu giữa hai thí sinh là 1,2m.

Trước khi làm bài thi, thí sinh phải ghi tên và số báo danh của mình vào đề thi, giấy thi, giấy nháp. Khi nhận đề, thí sinh phải kiểm tra kỹ số trang và chất lượng in của các trang đề thi. Nếu thấy đề thiếu trang, trang bị rách, hỏng, nhòe hay mờ thì phải báo ngay cho cán bộ coi thi trong phòng thi.

Thí sinh chỉ có thể rời khỏi phòng thi, khu vực thi sau khi đã hết 2/3 thời gian làm bài của buổi thi và phải nộp lại cả bài thi, đề thi, giấy nháp trước khi rời khỏi phòng thi.

Khi có tín hiệu báo hết giờ làm bài, thí sinh cần phải ngưng viết. Cán bộ coi thi thứ nhất sẽ tiến hành thu bài thi, cán bộ coi thi thứ 2 sẽ duy trì trật tự, kỷ luật phòng thi.

Thi lớp 10 TP.HCM: Phó giám đốc Sở GD-ĐT lưu ý  những việc không được làm

Thí sinh cần hỗ trợ trong thi lớp 10 năm nay

ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo ghi nhận của Sở GD-ĐT, kỳ thi năm nay có 6 thí sinh bị gãy tay, chân, lệch cột sống cần hỗ trợ đặc biệt. Sở GD-ĐT đã thực hiện công tác xử lý và bố trí phương án hỗ trợ đối với từng trường hợp cụ thể.

Những thí sinh đều được bố trí phòng thi riêng, có camera quan sát và một cán bộ coi thi là giáo viên không thuộc cùng môn thi lớp 10 của trường khác quận.

Lưu ý khi làm bài thi

Thí sinh của kỳ thi lớp 10 năm nay là lứa học sinh cuối cùng của bậc THCS thực hiện theo Chương trình GDPT 2006, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay cấu trúc đề thi các môn sẽ giữ ổn định như kỳ thi của năm trước, bao gồm 70% kiến thức ở mức thông hiểu, nhận biết; và phần còn lại nhằm phân loại học sinh với yêu cầu vận dụng, vận dụng cao.

Đồng thời, lãnh đạo Sở cũng nhấn mạnh hội đồng biên soạn đề thi lớp 10 vẫn tiếp tục theo định hướng dạy và học gắn với phát triển phẩm chất, năng lực. Với từng môn thi, đề thi sẽ không dừng ở việc kiểm tra kiến thức môn học thuần túy mà còn phải giải quyết yêu cầu về kiến thức gắn với các vấn đề thực tế cuộc sống. Qua đó, kiểm tra tư duy, năng lực vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề thực tế đặt ra trong đề thi. Như vậy, kỳ thi này đòi hỏi học sinh không thể học tủ, học vẹt, học theo kiểu ghi nhớ máy móc.

Thi lớp 10 TP.HCM: Phó giám đốc Sở GD-ĐT lưu ý  những việc không được làm

Cán bộ coi thi phổ biến quy chế thi lớp 10

ĐỘC LẬP

Riêng với môn ngữ văn, lãnh đạo Sở cũng nhắc nhở, trong quá trình ôn tập, nhiều học sinh thường dùng phương pháp loại trừ các tác phẩm đã ra trong đề thi tuyển sinh những năm trước để đỡ mất nhiều thời gian ôn tập. Đặc biệt những ngày gần đây, khi nhiều địa phương trên cả nước tổ chức thi lớp 10, đã có một số học sinh thắc mắc, tác phẩm đó, tỉnh A hay B đã chọn đưa vào đề thi thì TP.HCM có còn sử dụng tác phẩm đó hay không. 

Từ những thực tế trên, lãnh đạo Sở lưu ý, việc một tác phẩm đã ra trong đề thi tuyển sinh các năm trước không có nghĩa là không được đề cập đến trong năm nay. Tương tự, kỳ thi tuyển sinh của mỗi địa phương khác nhau và hội đồng biên soạn đề thi hoàn toàn độc lập và có định hướng khác nhau. Mặt khác, môn ngữ văn thường đòi hỏi liên hệ với các tác phẩm khác có chung chủ đề; do đó việc học theo phương pháp loại trừ sẽ khiến các em có thể thiếu tư liệu để bài viết phong phú. Do vậy, thí sinh hãy tự tin, đọc kỹ đề và phân bổ thời gian hợp lý, cố gắng hết mình trong phòng thi.

 
 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Sui Gia Nan Giải - SCTV9

 

Cuộc sống hôn nhân - SCTV9

Bà xã cát tường - SCTV9

 

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...