Năm 2023, Phan Lê Thúc Bảo (cựu học sinh Trường THPT chuyên Quốc học Huế, hiện đang học ngành Khoa học máy tính Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM) là TS đạt điểm cao nhất kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2. Tính cả 2 đợt thi, Thúc Bảo cũng xuất sắc trở thành TS đạt điểm cao nhất kỳ thi năm ngoái với 1.133 điểm/1.200 điểm.
Trước thời điểm diễn ra đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực năm nay, Thúc Bảo chia sẻ với TS kinh nghiệm làm bài của bản thân.
KỸ NĂNG ĐỌC ĐỀ, NHẬN DIỆN ĐÚNG YÊU CẦU CỦA ĐỀ
Người đạt số điểm cao nhất kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 cho rằng: Để đạt điểm tốt bài thi, cần có quá trình tích lũy kiến thức và rèn luyện các kỹ năng trong một chặng đường dài. Tuy nhiên, sự chuẩn bị tinh thần dự thi tốt nhất cộng với những lưu ý trong quá trình làm bài cũng góp phần quan trọng cho kết quả.
Theo Phan Lê Thúc Bảo, đầu tiên cần chú ý đến đặc trưng của bài thi này. Với mục tiêu đánh giá các năng lực cơ bản để học ĐH, bài thi sẽ kiểm tra năng lực sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu và giải quyết vấn đề của người học. Dù chỉ có một bài thi nhưng kiến thức được phủ rộng tới 8 môn học. Trong khi đó, một đặc trưng quan trọng của đề thi là cung cấp sẵn các số liệu, dữ kiện, thậm chí cả công thức. Vì vậy, việc ghi nhớ, học thuộc lòng không quan trọng bằng kỹ năng đọc đề, nhận diện đúng yêu cầu của đề.
Đôi khi TS cần chú ý cả những chi tiết nhỏ nhất của đề thi, vì có thể dễ dàng bị "lừa" bởi các chi tiết nhỏ này. Ví dụ, trong phân tích số liệu, đề có thể sử dụng chữ "đạt được", ở đây người đọc cần hiểu đúng là "bằng" chứ không phải "lớn hơn" về mặt định lượng.
Đặc biệt, trong phần toán học, Thúc Bảo cho biết có 2 mức độ thường thấy trong đề thi. Trong đó, phần toán phổ thông thường có sự tương đồng với kiến thức học trong chương trình. Nhưng với phần câu hỏi toán logic, đề thi thường cho nhiều dữ kiện để đòi hỏi mức độ suy luận cao hơn.
"Những câu hỏi này, nhiều dữ kiện sẽ được đưa vào đề thi. Để nhận diện đúng yêu cầu của đề, TS nên vừa đọc đề vừa tóm tắt ra giấy nháp các dữ kiện quan trọng để không bị sai sót. Việc xâu chuỗi các dữ kiện kết hợp khả năng suy luận tốt mới làm tốt các yêu cầu của dạng câu hỏi này", Thúc Bảo lưu ý.
LƯU Ý KHI LÀM PHẦN ĐỌC HIỂU
Theo Phan Lê Thúc Bảo, dạng bài đọc hiểu ít thấy trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng lại khá đặc trưng trong bài thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM. Bài đọc có thể gặp ở bất kỳ lĩnh vực nào: lý, hóa, sinh, sử, địa, tiếng Việt. Với một đoạn ngữ liệu được nêu ra, đề thi đưa ra nhiều yêu cầu cụ thể. "Dạng bài này đề không đòi hỏi kiến thức quá cao siêu của người học. Ngữ liệu mới, yêu cầu cũng mới nhưng TS vận dụng kiến thức đã học để giải quyết vấn đề", thủ khoa kỳ thi năm 2023 chia sẻ.
Cũng theo Thúc Bảo, các câu hỏi trong đề thi cơ bản được sắp xếp theo mức độ từ dễ đến khó. Tuy nhiên, trong từng phần thi vẫn có những đặc trưng khó dễ cho từng lĩnh vực kiến thức. Chẳng hạn, trong phần giải quyết vấn đề của lĩnh vực khoa học tự nhiên, đề thi các năm trước cho thấy TS muốn bắt đầu với câu hỏi dễ trước thì nên làm phần câu hỏi liên quan đến lĩnh vực vật lý. Trong khi đó, cùng lĩnh vực khoa học tự nhiên nhưng môn hóa và sinh thường là những câu hỏi có nhiều "thách thức" hơn.
Thúc Bảo cũng đưa ra một ví dụ khác liên quan đến phần thi tiếng Việt. Theo Bảo, đề thi có thể hỏi đến những kiến thức người học không chú trọng nhiều hoặc có thể học một lần trong suốt 12 năm phổ thông, ví dụ từ loại. Trong trường hợp này, cần bình tĩnh nhớ lại kiến thức đã học để đưa ra một đáp án đúng. Trong trường hợp cần thiết, có thể sử dụng thêm khả năng phán đoán để chọn được đáp án tối ưu.
Thủ khoa kỳ thi đánh giá năng lực 2023 chia sẻ thêm: "Những ngày cận thi, TS cần ăn no, ngủ tốt và giảm bớt việc ôn tập để dành sức đi thi. Cần chú ý chuẩn bị đầy đủ các vật dụng được phép mang vào phòng thi để có thể sử dụng phục vụ tốt nhất cho việc làm bài. Quan trọng vẫn là tinh thần tự tin, thoải mái nhất có thể khi bước vào phòng thi và trong suốt quá trình làm bài".
Những yêu cầu với thí sinh trong đề thi
Bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan trên giấy trong 150 phút. Độ khó câu hỏi được chia theo 3 cấp độ: cấp độ 1 chiếm 30%, cấp độ 2 chiếm 40% và cấp độ 3 chiếm 30%.
Cấu trúc bài thi gồm 3 phần, mỗi phần kiểm tra các lĩnh vực kiến thức khác nhau.
Phần 1 liên quan đến kiến thức tiếng Việt, các câu hỏi sẽ đánh giá năng lực đọc hiểu văn bản, sử dụng tiếng Việt và khả năng cảm thụ, phân tích các tác phẩm văn học. Đề thi tích hợp nhiều kiến thức về ngữ văn, đòi hỏi TS nắm vững những kỹ năng thực hành tiếng Việt để áp dụng vào giải quyết các vấn đề liên quan. Câu hỏi về sử dụng tiếng Anh sẽ trong phạm vi cấp độ từ A2-B1 theo khung năng lực ngoại ngữ 5 bậc, thông qua các nội dung: lựa chọn cấu trúc câu, nhận diện lỗi sai, đọc hiểu câu, đọc hiểu đoạn văn.
Phần 2 về toán học, tư duy logic và phân tích số liệu sẽ đánh giá khả năng áp dụng các kiến thức toán học; khả năng tư duy logic; khả năng diễn giải, so sánh, phân tích số liệu. Trong đó, phần toán học đánh giá khả năng hiểu và áp dụng các kiến thức toán học trong chương trình THPT thuộc các nội dung: ứng dụng của đạo hàm để khảo sát hàm số, số phức (tìm phần thực, phần ảo mô-đun, không có phương trình bậc 2, không có dạng lượng giác); hình học thuần túy, hình học tọa độ, tích phân và ứng dụng của tích phân, tổ hợp và xác suất, hàm số logarit, giải toán bằng cách lập hệ phương trình, giải hệ phương trình tuyến tính suy biến.
Phần tư duy logic đánh giá khả năng suy luận logic thông qua các hình thức logic đơn lẻ và nhóm logic tình huống. Dựa vào các thông tin được cung cấp trong mỗi tình huống logic cùng với kỹ năng suy luận và phân tích, TS tìm phương án khả thi cho các giả định được đưa ra. Phần phân tích số liệu đánh giá khả năng đọc và phân tích số liệu thực tế thông qua các sơ đồ và các bảng số liệu. Các sơ đồ và bảng biểu xuất hiện trong đề thi gồm: biểu đồ tròn, biểu đồ venn, biểu đồ cột, biểu đồ đường, biểu đồ dạng bảng số liệu.
Phần 3 giải quyết vấn đề sẽ đánh giá khả năng hiểu các kiến thức giáo khoa cơ bản và áp dụng để giải quyết các vấn đề cụ thể thuộc 5 lĩnh vực, gồm 3 lĩnh vực khoa học tự nhiên (hóa học, vật lý, sinh học) và 2 lĩnh vực khoa học xã hội (địa lý, lịch sử). Trong đó, các câu hỏi đơn lẻ đánh giá khả năng hiểu các kiến thức giáo khoa cơ bản liên quan đến lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Các nhóm câu hỏi tình huống đánh giá khả năng đọc, tư duy, suy luận logic về các lĩnh vực thông qua dữ kiện được cung cấp trong các bài đọc và kiến thức đã học; đánh giá khả năng áp dụng các kiến thức phổ thông để giải quyết các vấn đề liên quan.