GS Tạ Thành Văn, Chủ tịch HĐT Trường ĐH Y Hà Nội và tất cả thành viên của ban giám hiệu nhà trường đều dự cuộc gặp mặt này.
Cái khó của việc học ở trường y là kiểu "không giống ai"
Theo GS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, cuộc gặp thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo nhà trường với những tân sinh viên xuất sắc, bởi các thầy cô thực sự kỳ vọng sẽ đào tạo được các em trở thành những bác sĩ, những chuyên gia, những nhà nghiên cứu xuất sắc... Nếu kỳ vọng này thành hiện thực, các em sẽ là những nhân tố quan trọng tham gia dẫn dắt nền y khoa Việt Nam đi xa hơn trong tương lai.
Với những thành tựu đã đạt được ở năm cuối cùng trong bậc học phổ thông, các em thực sự là những học sinh xuất sắc. Tuy nhiên, hiện các em đang đứng ở vạch xuất phát cho một hành trình khác, kéo dài ít nhất từ 4 - 6 năm học, sau khi đỗ và nhập học Trường ĐH Y Hà Nội. Việc chinh phục hành trình này không khó bằng việc chinh phục các giải thưởng quốc gia, quốc tế mà đa số các em đã làm được ở hành trình trước. Nhưng hành trình mới chắc chắn là một hành trình rất khác.
GS Nguyễn Hữu Tú nhấn mạnh: "Con đường các em vừa trải qua là một con đường rất khó. Còn con đường sắp đi là một con đường rất khác. Không khó bằng, nhưng khác! Nếu không toàn tâm, toàn ý, không kiên trì, không quyết tâm vượt qua khó khăn, thì các em sẽ không thể dẫn đầu".
GS Nguyễn Hữu Tú cho biết, cái khó của việc học ở trường y, đặc biệt là với các ngành bác sĩ, là cái khó kiểu "không giống ai". Bởi vì y học vừa là khoa học tự nhiên, vừa là khoa học xã hội. Logic trong y học không giống như trong khoa học tự nhiên, không phải lúc nào cũng theo cách từ công thức này mà suy ra cái này. Các em phải học một số định luật, sẽ phải nhớ, phải học thuộc những kiến thức rời rạc, nhưng nó sẽ tạo cái nền móng tổng thể quan trọng cho các kiến thức chuyên môn sâu về sau.
"Các em không chuyển tiếp tốt phong độ học tập, không thay đổi nhanh cách học thì sẽ không thành công. Thường thì những khi không gặp may, không thành công, các em sẽ thất vọng, sẽ nhụt chí… Đã có một số em như thế. Vì vậy thầy mong tất cả chúng ta ngồi đây nhanh chóng chuyển trạng thái. Nhập trường, nhập môn càng nhanh càng tốt. Với năng lực sẵn có, với tố chất rất tốt sẵn có, thầy tin rằng các em nếu kiên trì và quyết tâm thì sẽ thành công trong hành trình sắp tới", GS Nguyễn Hữu Tú nói.
GS Nguyễn Hữu Tú bày tỏ thêm: "Mong muốn duy nhất mà các thầy cô muốn gửi tới các em là cố gắng không bị lãng phí thành quả, tố chất mà các em đã có. Các em hãy trở thành một trong những sinh viên xuất sắc sau này, khi tốt nghiệp Trường ĐH Y Hà Nội. Một khi đã tốt nghiệp xuất sắc ở Trường ĐH Y Hà Nội nghĩa là các em có triển vọng trở thành những bác sĩ, những chuyên gia xuất sắc của ngành y tế trong mai sau".
"Học tốt, mơ nhiều, yêu say đắm"
Còn GS Tạ Thành Văn cho biết, cách đây 5 năm, Phòng Đào tạo Trường ĐH Y Hà Nội đã làm một nghiên cứu với nội dung so sánh kết quả học tập suốt 6 năm học giữa hai nhóm sinh viên mà xuất phát điểm của các em khác nhau.
Một nhóm được xem là tiềm năng của đào tạo tinh hoa, do các em được tuyển thẳng nhờ đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Một nhóm được xem là "đại trà", vì các em trúng tuyển theo cách thông thường (qua kỳ thi tuyển sinh ĐH, về sau là qua kỳ thi THPT quốc gia). Nhưng kết quả học tập suốt 6 năm học ở Trường ĐH Y Hà Nội cho thấy không có sự khác biệt giữa hai nhóm này, dù xuất phát điểm của nhóm 1 có thể xem là "vượt trội".
"Điều này khiến cho các thầy rất trăn trở, tại sao sinh viên có xuất phát điểm rất tốt mà học không khác gì những em bình thường? Phải chăng các thầy cô chưa tạo được môi trường đào tạo để những em có tố chất vượt trội phát huy được hết khả năng? Từ những trăn trở đó mà nhà trường đã có nhiều giải pháp để giúp từng em phát huy được năng lực cá nhân, chẳng hạn như tạo ra các câu lạc bộ, tạo ra nhiều diễn đàn… để mỗi em đều có có nơi "xả năng lượng" phù hợp", GS Tạ Thành Văn nói.
Theo GS Tạ Thành Văn, thành tựu mà các em đạt được trong hành trình học phổ thông tuy là nỗ lực cá nhân của các em nhưng bên cạnh đó có sự đóng góp rất lớn của gia đình, của nhà trường. Các em được bố mẹ, thầy cô chăm lo, dõi theo, đốc thúc hàng giờ, hàng ngày. Nhưng lên học ĐH thì các em được tự do, và phải tự lo. Vì thế nếu không tự chủ, không tự vượt lên chính mình thì các em sẽ thất bại.
GS Tạ Thành Văn cho rằng, nhiều em bước chân vào Trường ĐH Y Hà Nội với niềm tự hào bởi mình giải toán giỏi. Nhưng giải toán giỏi không có nghĩa là mổ giỏi. Hai việc đó rất khác nhau. Ở Trường ĐH Y Hà Nội có một slogan mà mọi thế hệ sinh viên đều xem là đích hướng tới: "học tốt, mơ nhiều, yêu say đắm". Trong đó "yêu say đắm" không chỉ để nói về tình yêu đôi lứa mà còn nói về sự đam mê, về tình yêu nghề. Bởi nghề y là một nghề nếu không có đam mê thì không thể học giỏi, làm giỏi.
GS Tạ Thành Văn nói: "Trước hành trình mới, thầy có một lời khuyên với các em: những vinh quang hãy để lui vào quá khứ. Các em càng để nó lui nhanh thì càng thành đạt. Việc cứ ôm lấy thành tích đã có để tự hào về nó sẽ chẳng giúp ích được gì cho các em suốt 6 năm học sắp tới. Rồi đây, nhà A6 (Trung tâm Khảo thí của Trường ĐH Y Hà Nội - PV) sẽ đón các em định kỳ".