THÍ SINH KHỐI NGÀNH SỨC KHỎE CẠNH TRANH RA SAO?
Tại chương trình tư vấn, đại diện các trường cho biết đến thời điểm này tất cả các nhóm ngành đều đã có điểm sàn xét tuyển, trong đó 2 nhóm ngành sức khỏe và giáo viên cũng được Bộ GD-ĐT quy định mức điểm sàn vào ngày 19.7.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, nhận định: "Điểm sàn khối ngành khoa học sức khỏe và giáo viên năm nay bằng với năm 2023. Mặc dù phổ điểm năm nay tăng nhẹ ở các khối truyền thống như A00, A01, C00 và D01, nhưng khối B00 xét tuyển vào ngành sức khỏe lại có giảm một chút".
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Hải, hiện nay khối ngành sư phạm và sức khỏe đều được sử dụng nhiều phương thức để xét tuyển. Có nhiều em đã trúng tuyển sớm, chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi THPT của 2 khối ngành này không phải là 100% nên mức độ cạnh tranh vẫn rất cao. "Dự báo điểm chuẩn sẽ tương đồng hoặc nếu có thay đổi thì sẽ tăng một chút so với năm 2023", tiến sĩ Hải nhận định.
Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng khẳng định đây là nhóm ngành tập trung nhiều thí sinh giỏi nhất, điểm sàn cũng cao nên mức độ cạnh tranh sẽ cao hơn so với một số nhóm ngành khác.
Với thí sinh đã đăng ký xét tuyển sớm vào khối ngành sức khỏe và giáo viên, tiến sĩ Hải lưu ý thêm: "Các em cũng phải đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào mới đủ điều kiện trúng tuyển để đăng ký nguyện vọng lên hệ thống. Ví dụ ngành y khoa và răng hàm mặt ở phương thức xét học bạ yêu cầu thí sinh phải có học lực năm lớp 12 đạt loại giỏi hoặc điểm xét tốt nghiệp đạt 8 trở lên".
Ở các nhóm ngành còn lại của phương thức xét điểm thi, tiến sĩ Hải cho biết Trường ĐH Duy Tân điểm sàn từ 16 trở lên, riêng ngành kiến trúc, điểm xét tuyển là 20 (môn vẽ mỹ thuật nhân 2), chỉ tiêu chiếm 50%.
Tại Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM, thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng, thông tin trường xét 1.587 chỉ tiêu với điểm sàn từ 16-19.
Trong khi đó, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành lại có điểm sàn ngành y khoa là 23, cao hơn điểm sàn Bộ GD-ĐT đưa ra 0,5 điểm. Các ngành còn lại trong khối sức khỏe lấy bằng mức điểm quy định của Bộ, các nhóm ngành còn lại có điểm sàn từ 15.
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cũng đã công bố điểm sàn cho phương thức xét điểm thi, các ngành từ 16-21 điểm với 45% chỉ tiêu.
Điểm sàn Trường ĐH Văn Hiến dao động từ 15-19, trong đó, ngành có điểm sàn cao nhất là điều dưỡng, 19 điểm.
Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn có mức điểm sàn từ 16-18 tùy ngành.
TẬN DỤNG MỌI CƠ HỘI XÉT TUYỂN
Tại chương trình, nhiều thí sinh thắc mắc về việc có nên đăng ký xét tuyển nếu điểm thi chỉ bằng điểm sàn, hoặc nếu điểm thi rất cao thì khi đăng ký nguyện vọng mới có cần sử dụng thêm nguyện vọng đã trúng tuyển sớm, hoặc có cần thêm nhiều phương án dự phòng hay không...
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên nhấn mạnh: "Các em nên tận dụng mọi cơ hội để không bỏ lỡ bất cứ khả năng trúng tuyển nào. Nếu điểm thi của các em chỉ bằng hoặc cao hơn một chút so với điểm sàn của ngành mà các em thích, hãy cứ mạnh dạn đăng ký vì em hoàn toàn đủ điều kiện. Tại nhiều trường, có những ngành lấy điểm chuẩn chỉ bằng điểm sàn hoặc cao hơn một chút. Vì thế, nếu ngại không đăng ký rất có thể em đã bỏ lỡ cơ hội trúng tuyển".
Theo thạc sĩ Nguyên, điểm chuẩn năm 2023 của Trường ĐH Kinh tế-Tài chính dao động từ 16-21 điểm. Trong đó có nhiều ngành có điểm chuẩn bằng với mức điểm sàn, một số ngành cao hơn 1-3 điểm. Một số ngành mới thuộc lĩnh vực "hot" là máy tính và công nghệ thông tin của Trường ĐH Duy Tân năm 2023 cũng có điểm chuẩn chỉ bằng điểm sàn - 16 điểm.
Bên cạnh đó, tiến sĩ Hải cũng lưu ý thí sinh điểm thi cao cũng không nên quá tự tin mà chỉ đăng ký một ngành vào một trường. "Nếu đã yêu thích một lĩnh vực nào đó, lựa chọn ngành học ở nhiều trường khác nhau, sắp xếp thứ tự từ trường có điểm chuẩn cao nhất cho đến trường có điểm chuẩn thấp hơn. Đó là quyền lợi của các em. Những năm qua không ít em đăng ký một hoặc quá ít nguyện vọng, do không lường trước được vấn đề điểm chuẩn có thể sẽ thay đổi, nên đã không trúng tuyển vào trường nào", tiến sĩ Hải chia sẻ.
Ngoài ra, thí sinh đã trúng tuyển sớm mà vẫn muốn xét thêm nguyện vọng mới bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, đại diện các trường nhắc nhở thí sinh vẫn phải đăng ký nguyện vọng đã trúng tuyển sớm ngay sau đó để nếu không trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp thì vẫn có một tấm vé vào ĐH bằng phương thức xét tuyển sớm.
"Nếu điểm thi thấp, các em vẫn có thể đăng ký ở các trường có điểm sàn thấp, quan trọng đó là ngành học phù hợp và yêu thích. Hãy tận dụng hết mọi cơ hội, mọi quyền lợi vì ở đợt xét tuyển bổ sung không phải trường nào cũng còn chỉ tiêu, nếu còn thì chỉ ở một số ngành ít thu hút và điểm chuẩn phần lớn sẽ bằng hoặc cao hơn đợt 1", thạc sĩ Trương Quang Trị cho hay.
Thí sinh vẫn được xét tuyển nguyện vọng mới bằng học bạ lên hệ thống
Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, về quy định thì trước 10.7 tất cả các cơ sở giáo dục ĐH phải cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm lên hệ thống của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, một số trường do chưa tuyển đủ chỉ tiêu học bạ và đánh giá năng lực nên vẫn tiếp tục thông báo xét 2 phương thức này cùng với phương thức xét điểm thi. "Các em phải tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh xem trường mình muốn vào có còn xét học bạ trong thời điểm này trên hệ thống hay không", tiến sĩ Hải lưu ý .
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên cũng cho hay trường nào muốn xét tuyển học bạ và điểm thi đánh giá năng lực trên hệ thống trong thời điểm này thì ngay từ đầu phải thể hiện trong đề án tuyển sinh công khai cho thí sinh và gửi Bộ GD-ĐT. Thí sinh hoàn toàn có thể sử dụng học bạ để đăng ký mới nếu trường ĐH đó còn chỉ tiêu. "Các em cứ tìm hiểu kỹ thông tin và không nên từ bỏ bất kể cơ hội nào dù là nhỏ nhất trong đợt xét tuyển này", thạc sĩ Nguyên cho hay.
Chọn thêm phương án dự phòng
"Thí sinh có thể đặt ngành mình yêu thích nhất ở nguyện vọng 1 nếu điểm của các em đạt điểm sàn trở lên. Không nên vì sợ rớt mà bỏ ngành, trường mình yêu thích nhất. Đồng thời chọn thêm phương án dự phòng để nếu không đậu nguyện vọng 1 thì các em vẫn có cơ hội ở các nguyện vọng 2, 3, 4...".
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung (Giám đốc Trung tâm Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM)
Đăng ký thành 3 nhóm nguyện vọng
"Các em nên chia nguyện vọng thành 3 nhóm: nhóm ngành-trường mơ ước đặt lên đầu tiên dù điểm của các em chỉ bằng điểm sàn, nhóm thứ là 2 ngành-trường có điểm sàn thấp hơn điểm của các em từ 1-2 điểm và nhóm 3 là ngành-trường điểm sàn thấp hơn điểm các em từ 3-4 điểm".
Thạc sĩ Lưu Thị Lan Phương (Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến)
Tham khảo điểm chuẩn những năm trước
"Điểm sàn chỉ là mức điểm tối thiểu nhận hồ sơ, thí sinh cần tham khảo thêm điểm chuẩn các năm trước. Ngoài ra, thí sinh cũng cần phân biệt về mức điểm thí sinh nhận được học bổng đầu vào của các trường".
Thạc sĩ Trần Văn Trắng (Phó phòng Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn)