Trong vai một phụ huynh, PV Thanh Niên vào một cửa hàng xe máy điện trên đường Trường Chinh (Q.Tân Bình). Tại đây, chúng tôi được tư vấn về nhiều dòng xe máy điện.
Nhân viên bán hàng cho biết vào dịp hè, nhất là tháng trước thềm năm học mới, nhiều phụ huynh có con vào lớp 10 đến hỏi mua xe máy điện cho con, thay thế cho xe máy bởi xe máy điện có vận tốc dưới 50 km/giờ, người đủ 16 tuổi có thể chạy và không cần bằng lái. "Nếu HS đủ 16 tuổi (tính theo ngày sinh nhật) thì có thể đứng tên giấy tờ cho xe máy điện. Trong dịp hè và trước thềm năm học mới, nhiều phụ huynh đến tham khảo và mua xe máy điện cho con em mình", nhân viên bán hàng tư vấn và chỉ về phía cặp vợ chồng cùng con gái đến nhận xe máy điện.
Việc rèn luyện kỹ năng lái xe và xử lý tình huống giao thông chủ yếu phụ thuộc vào gia đình. Một số gia đình dành thời gian dịp hè để hướng dẫn con cách điều khiển phương tiện. Trên đường phố, PV Thanh Niên nhiều lần bắt gặp cảnh cha mẹ chạy xe kè theo con đang điều khiển xe máy điện hoặc xe đạp điện.
"Giao xe máy điện cho con chạy, tôi cũng lo lắng vì mật độ xe cộ trên đường ngày càng đông, dòng xe máy chen chúc lẫn với ô tô. Tuy nhiên, tôi không còn lựa chọn khác vì vợ chồng đều đi làm theo giờ hành chính. Lúc mới mua xe máy điện, cha mẹ chỉ biết tập cho con làm quen, xử lý tình huống giao thông khi vượt, qua đường an toàn, tránh điểm mù khi vượt qua xe tải…", anh Quang (ngụ H.Hóc Môn), có con mới vào lớp 10, chia sẻ.
Cũng có một số thiếu niên như Huỳnh Ngọc Thư (HS lớp 10, ngụ Q.Tân Phú) mượn xe đạp điện của bạn để tập chạy mà không cần đến sự hướng dẫn của cha mẹ. "Lúc lên lớp 8, em thấy nhiều bạn cùng lớp đi xe đạp điện nên em đi cùng, mượn xe các bạn chạy thử. Ban đầu em cũng không quen kiểm soát tốc độ, chạy hơi loạng choạng, nhưng dần cũng quen. Đến năm lớp 9, vì phải đi học thêm nhiều nơi, nhưng cha mẹ không có thời gian đưa rước nên em xin gia đình mua cho em một chiếc xe đạp điện", Thư cho hay.
Một số phụ huynh chọn mua xe đạp điện cho con vì giá thành rẻ hơn so với xe máy điện và vận tốc thấp hơn. Đa số các loại xe đạp điện hiện nay đều có nút điều chỉnh 3 mức tốc độ khác nhau, từ thấp đến cao, phù hợp với người lái.
Anh T.H.Hậu, một người bán xe đạp điện ở H.Hóc Môn, khuyên phụ huynh đừng nên chọn những loại xe đạp điện với giá quá rẻ (vài triệu đồng) vì không đảm bảo chất lượng và độ an toàn. "Một số loại xe đạp điện có mẫu mã đẹp, giá rẻ thu hút HS nhưng chất lượng kém hơn những chiếc trông hơi thô về mặt thiết kế nhưng có giấy chứng nhận kiểm định rõ ràng, tốc độ ổn định", anh Hậu lưu ý.
Bên cạnh đó, anh Hậu khuyến cáo phụ huynh cần thường xuyên kiểm tra tình trạng kỹ thuật của xe, đặc biệt là hệ thống phanh và đèn chiếu sáng, để đảm bảo phương tiện luôn ở trạng thái tốt nhất. Một số phụ huynh thường không quan tâm đến việc bảo dưỡng xe định kỳ, dẫn đến tình trạng xe bị hư hỏng, gây nguy hiểm cho con em mình.
Theo anh Hậu, một số HS hoạt bát, nhanh nhẹn chỉ cần một ngày có thể học cách điều khiển xe đạp điện hoặc xe máy điện. Điều quan trọng là phụ huynh cần tập cho con cách kiểm soát tốc độ và xử lý tình huống giao thông.
Một số bậc cha mẹ kỹ tính hơn yêu cầu nhân viên cửa hàng của Hậu gỡ bỏ nút điều chỉnh 3 mức tốc độ, giữ nguyên 1 mức dưới 30 km/giờ vì lo ngại con em mình "phóng nhanh vượt ẩu".