Cuộc thi thu hút 21 đội đến từ 18 trường ĐH thuộc 6 quốc gia, vùng lãnh thổ: Indonesia, Nhật Bản, Mông Cổ, Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam. Trong 21 đội có 15 đội quốc tế và 6 đội trong nước với 209 người tham gia (gồm sinh viên và giảng viên của các trường). Ban tổ chức đã trao giải 6 hạng mục (mỗi giải chọn 5 đội tốt nhất) gồm: thẩm mỹ, cấu trúc, chính xác, thi công, thuyết trình và chi phí.
Trường ĐH Khoa học – Công nghệ Mông Cổ xếp hạng nhất ở 3/6 hạng mục (cấu trúc, chi phí, chính xác) và xếp hạng nhì ở 2/6 hạng mục (thuyết trình, thi công). Qua đó, xếp tổng thể, xuất sắc đoạt hạng nhất. Hai trường ĐH Barawijaya (Indonesia) và ĐH Fukui (Nhật Bản) lần lượt xếp thứ 2 và 3. Còn vị trí thứ 4 và 5 thuộc về hai đội của Trường ĐH Cần Thơ (đội 1 và đội 2).
Trước đó, các đội đã trải qua nhiều phần thi quan trọng trong 2 ngày 27-28.8. Thành tích thi được đánh giá bởi ban giám khảo gồm các giáo sư trong và ngoài nước. Ngôn ngữ chính được sử dụng trong cuộc thi là tiếng Anh. Việt Nam có 6 đội tham gia đến 4 trường ĐH: Cần Thơ, Xây dựng miền Tây, Trà Vinh và Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ.
Điểm hấp dẫn cuộc cuộc thi là mỗi đội sẽ lên ý tưởng về mô hình cầu, tính toán khả năng chịu tải của các cấu kiện, chế tạo các chi tiết, lắp ghép và thử tải. Điều này đòi hỏi mỗi đội cần có kinh nghiệm làm việc nhóm và giải quyết vấn đề hiệu quả. Từ khâu thiết kế tới thi công cần có sự phối hợp hoàn hảo giữa các thành viên để giảm thiểu thời gian thi công.
Theo ban tổ chức, tham gia cuộc thi, các đội sẽ vận dụng kiến thức được học vào thực tiễn qua các giai đoạn từ thiết kế ý tưởng, chế tạo, thi công lắp ghép, quản lý dự án, mua sắm vật liệu, lập kế hoạch và quản lý chi phí. Trên tinh thần đó, cuộc thi có thể ghi nhận được những sự đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông. Cũng từ đây sẽ xuất hiện, ươm mầm những ý tưởng, mô hình hay, góp phần nâng cao chất lượng các dự án hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài nước.