Có mặt tại điểm thi Trường THPT Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, giữa những bậc phụ huynh có mái tóc còn đen, chúng tôi bắt gặp một thân ảnh tóc trắng bạc phơ, một tay xách giỏ đựng rau củ, thịt thà, tay còn lại dắt cháu gái đi bộ đến trường dưới cái nắng oi ả mùa hè. Đó là bà Vũ Thị Bích Loan, 73 tuổi, "gương mặt" thân quen với giám thị, bảo vệ của trường suốt 3 năm qua.
Đưa đến điểm thi, bà Loan vẫn dõi theo cháu đến khi vào phòng. Khi này, bà mới nhẹ nhõm đặt giỏ xuống, tiếp tục đứng đợi ở ngoài cổng trường. "Mọi khi đến, mấy chú bảo vệ thường bảo tôi vào trong ngồi đợi cháu học ra, nhưng hôm nay thi nên họ không cho vào được, tôi đứng ở đây luôn", bà nói. Thấy thế, chúng tôi vội tìm ghế để bà ngồi, rồi lắng nghe thêm câu chuyện đồng hành cùng cháu của bà nội vốn là giáo viên THCS về hưu.
Bà Loan kể, bố mẹ của cháu nội làm ở khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) nên ngày nào cũng sáng sớm đã đi, tối mịt mới về. Do đó, bà làm thay ba mẹ công việc đưa đón, đến nay đã có "thâm niên" 12 năm liền dẫn cháu đi học, từ mẫu giáo đến THPT. "Ngày nào cũng vậy, đưa nó vào lớp xong tôi đi về, rồi lát nữa lại canh giờ để ra đón. May mắn là lúc nào trường cũng gần nhà", bà Loan, ngụ trên đường Nguyễn Thượng Hiền, kể.
Không chỉ đồng hành trên những con đường đến trường, bà Loan còn luôn có mặt bên cháu trong mọi vấn đề của cuộc sống với "bí quyết" lắng nghe và chia sẻ chứ không bắt ép, áp lực. Thậm chí, bà còn rành rọt những chuyện diễn ra trên mạng xã hội, như vụ tung tin vô căn cứ "lộ đề" thi tốt nghiệp THPT 2024. "Lúc đó em nó hoảng hồn lên, tôi mới bảo con đừng tin, làm gì lộ dễ như vậy được. Tôi trấn an liền", bà Loan nói.
"Ở nhà con bé hay tâm sự với tôi lắm, chứ với bố mẹ thì em nó không chịu nói đâu. Lúc đầu gia đình cũng định hướng cháu học dược nhưng em nó nhất định không chịu, muốn thi vào ngành ngôn ngữ Anh. Tôi không hoài nghi quyết định này vì biết cháu giỏi tiếng Anh lắm, chưa ra khỏi Việt Nam mà đã kết bạn với người ở những nước khác qua mạng, ở trường cũng được thầy cô khen.
Đợt rồi tôi cũng cùng với cháu lên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM để hỏi thăm, mấy bạn sinh viên ở đó nói điểm cao lắm, mong em sẽ đạt đủ điều kiện. Lên ĐH rồi thì chắc tôi không đưa cháu đi nổi nữa, xa quá mà cũng cực cho em. Nhưng tôi có gửi gắm cháu cho bác nó rồi, chở đi thời gian đầu rồi hướng dẫn em sau này tự lái xe đi học", bà Loan tâm sự. Rồi bà nói thêm về những lời khuyên dành cho cháu gái ở hành trình ĐH...
Sau khoảng 2 tiếng trò chuyện, cháu nội duy nhất của bà Loan, em Nguyễn Vũ Gia Hân, học sinh lớp 12A01 Trường THPT Phan Đăng Lưu, cũng đã hoàn thành thủ tục dự thi và ra về. Nữ sinh thi khối D bồi hồi: "Có bà đồng hành từ trước đến nay, em cảm thấy mình rất được yêu thương. Bà luôn ủng hộ em trong mọi quyết định, từ việc học tiếng Anh đến việc chọn trường. Bà cũng đề cập đến câu chuyện du học với em, nhưng em vẫn muốn học ở Việt Nam, ở trường ĐH gần nhà".
Câu chuyện của bà Loan cũng là câu chuyện của hơn 1 triệu phụ huynh đồng hành cùng con trong những ngày thi tốt nghiệp THPT 2024 vừa qua. Như cách đó 5 km, chị Đoàn Kim Thanh (ngụ Q.Phú Nhuận) băng qua màn mưa trắng xóa để chở con đến điểm thi Trường THCS Colette (Q.3), sau đó chọn trú mưa dưới mái hiên của trường để chờ con thi xong môn toán.
Chị Thanh nói, dù đã là lần thứ 2 chở con đi thi tốt nghiệp THPT (trước đó là anh hai), chị vẫn vẹn nguyên nỗi lo nên quyết định chờ đón con mặc trời mưa gió. Ngoài ra, chị cũng muốn tạo cho con cảm giác mẹ luôn ở bên để con thấy an toàn và tự tin hoàn thành bài thi tốt nhất có thể. "Bé tên Nguyễn Đoàn Quỳnh Oanh, học ở Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm và đặt nguyện vọng vào ngành kinh tế quốc tế của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM", chị Thanh nói thêm.
Mong con đi thi với tâm thế thoải mái nhất, chị Thanh thường dặn con không cần phải ôn tập trong những ngày cuối trước khi thi. "Tôi không muốn con cứ cầm đề cương ôn bài vì mỗi lần như thế con vừa áp lực, vừa hồi hộp lo lắng. Tôi chỉ hy vọng con cố gắng hết sức để sau này bản thân con nhìn lại không thấy phải luyến tiếc bất cứ điều gì", nữ phụ huynh bộc bạch.
Có thể thấy, không phải cứ chở con đến điểm thi an toàn, đúng giờ là phụ huynh sẽ an tâm. Trong tâm trí những bậc ông bà, ba mẹ này luôn nơm nớp nhiều nỗi niềm: "Con mình có quên gì không?", "Không biết bé nó có thể làm hết sức mình không"... Thậm chí, số khác còn cố gắng nhờ các tình nguyện viên chuyền nước vào cho con dù con đã vào phòng thi vì, "Con cô khát nước, cô thương lắm, giúp cô nha!".
Tất cả đã làm nên một "lớp màu" thật đẹp và ý nghĩa trong "bức tranh" mùa thi những năm qua, và cả tương lai sau này.