Hôm qua 5.8, tại Khoa Triết, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, đã khai mạc khóa học "Cơ sở triết học phân tích: Frege, Russell, Wittgenstein", do TS Trịnh Hữu Tuệ làm giảng viên. Khóa học có sự tham gia của GS Ngô Bảo Châu với tư cách khách mời thuyết trình trong phần cuối của phân khúc về Frege. Khóa học gồm 12 buổi, kéo dài đến 28.8. Đây là khóa học miễn phí, dành cho những người học hoặc làm việc trong ngành triết, yêu mến ngành triết. Giảng viên, diễn giả không nhận thù lao.
TS Trịnh Hữu Tuệ cho biết việc ông đứng ra đảm nhiệm khóa học cơ sở triết học phân tích ở Khoa Triết, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, "đơn giản là vì thích". "Tôi có một nhóm bạn, mà hiện có 3 người đang ngồi trong lớp này. Chúng tôi thảo luận về cuốn sách Các cơ sở của số học (Die Grundlagen der Arithmetik), ấn phẩm được coi là tuyệt tác của Gottlob Frege, trong khoảng hơn một năm. Tôi muốn tiếp tục không gian thảo luận đó ở phạm vi rộng hơn", TS Trịnh Hữu Tuệ nói.
Theo TS Trịnh Hữu Tuệ, triết học phân tích là mảng nội dung không thể thiếu trong bất kỳ khoa triết nào. Tuy nhiên, dường như trong các khoa triết của các trường ĐH ở Việt Nam, triết học phân tích dường như chưa được quan tâm. Trong khi đó, nhiều người học triết ở Việt Nam lại rất hào hứng khi được dịp thảo luận về triết học phân tích.
Nhận lời giảng bài cho khóa học với tâm thế "vui là chính", TS Trịnh Hữu Tuệ không đặt ra bất kỳ mục tiêu, hay kỳ vọng gì ở khóa học: "Lớp như thế này là khá đông người rồi. Ban đầu tôi nghĩ có lẽ chỉ khoảng dăm, bảy người tham gia. Nhưng tôi đồ rằng số người ngồi lại cho đến buổi cuối cùng sẽ rất ít, phải là những bạn nào rất thích thì mới ở lại. Môn này, nếu không có đủ sự kỹ càng thì cũng không vui được. Nếu chỉ nói qua qua cho biết được các ý chính thì chẳng để làm gì".
Khi được hỏi về việc làm sao để thu hút sự quan tâm nhiều hơn nữa của các bạn trẻ tới ngành học triết, TS Trịnh Hữu Tuệ cho rằng đây không phải là một vấn đề quá phải bận tâm. Bản thân triết tiềm ẩn trong mình một sự hấp dẫn tự nhiên, do thỏa mãn được sự ham hiểu biết - vốn là một nhu cầu tự thân của mỗi người.
TS Trịnh Hữu Tuệ nhận định: "Ở đâu cũng vậy, triết học không dành cho số đông. Nhưng sẽ luôn luôn có một nhóm người thấy triết học hấp dẫn, thấy nó đủ hay để dành cho triết một sự quan tâm thỏa đáng. Có những thứ mờ mịt quá, khó hiểu quá, bay bổng quá… khiến người ta cảm thấy rất khó nắm bắt. Nhưng triết học phân tích là những cái rất cụ thể, rõ ràng, kể cả khi người ta chưa hiểu thì họ cũng thấy có gì đó để hiểu".
Mong muốn cộng đồng có cái nhìn cởi mở hơn về triết học
Theo TS Trần Thị Điểu, Phó chủ nhiệm Khoa Triết học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, bấy lâu nay Khoa Triết học vẫn tổ chức các bài giảng, các buổi nói chuyện, với sự ủng hộ nhiệt tình của các chuyên gia trong và ngoài nước. Chẳng hạn, hiện nay khoa vẫn thường xuyên mở chuỗi bài giảng bổ sung thêm kiến thức khoa học tự nhiên cho giảng viên và người học, do nhóm triết học trong khoa học tự nhiên mà PGS Nguyễn Hoàng Hải (Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội) phụ trách, GS Ngô Bảo Châu tham gia.
TS Trần Thị Điểu nói: "Khóa học cơ sở triết học phân tích của TS Trịnh Hữu Tuệ là mong muốn từ lâu của thầy trò Khoa Triết học. Ở Việt Nam hiện nay có nhu cầu tìm hiểu triết học, nhưng những khóa học như thế này còn hạn hữu. TS Trịnh Hữu Tuệ là một nhà nghiên cứu có nhiều đóng góp chuyên sâu trong lĩnh vực triết học ngôn ngữ, vì thế những bài giảng của TS Trịnh Hữu Tuệ chắc chắn giúp cho giảng viên và những người học triết có kiến thức sâu rộng hơn".
Trong các buổi học, diễn giả và người đọc sẽ cùng đọc, cùng thảo luận về các tác phẩm kinh điển, từ đó người học được học cách đọc, cách trao đổi, cách phản biện. Đặc biệt, thông qua khóa học, Khoa Triết học kỳ vọng tạo sự lan tỏa tinh thần triết học trong cộng đồng, khiến cộng đồng có cái nhìn cởi mở hơn về triết học.
"Ban đầu ban tổ chức dự định TS Trịnh Hữu Tuệ giảng bài trong một lớp học khoảng 20 chỗ ngồi. Tuy nhiên, số lượng đăng ký lên đến hơn 300 người, vì thế nhà trường đã bố trí cho khóa học một phòng học rộng hơn, có quy mô 40 người.
Đối tượng học viên rất phong phú, đủ mọi lứa tuổi (từ 20 đến 50 - 60 tuổi). Có giảng viên Khoa Triết học. Có cán bộ nghiên cứu triết học, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên ngành triết. Đặc biệt, có một số sinh viên các ngành học khác. Việc đăng ký này là một kênh thông tin có giá trị tham khảo về sự hấp dẫn của triết học, qua đó cho thấy triết học với tư cách là một khoa học luôn có chỗ đứng riêng", TS Trần Thị Điểu chia sẻ.
TS Trịnh Hữu Tuệ hiện làm việc ở Đức. Ông nhận bằng tiến sĩ (PhD) từ Viện Công nghệ Massachusetts, Vương quốc Anh và bằng tiến sĩ khoa học (Habilitation) từ ĐH Humboldt, Đức. Trọng tâm nghiên cứu của ông là cú pháp, ngữ nghĩa, ngữ dụng và triết học thời kỳ đầu của Wittgenstein. Các tạp chí ông đã từng đăng bài bao gồm Synthese, Linguistics & Philosophy, Natural Language Semantics, Journal of Pragmatics.