BÁM SÁT ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ THI TỐT NGHIỆP THPT CỦA BỘ GD-ĐT
Bám sát cấu trúc và định hướng về đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 mà Bộ GD-ĐT công bố, Báo Thanh Niên đã cùng các giáo viên (GV) giàu kinh nghiệm của các trường thực hiện 88 chuyên đề ôn tập kiến thức trong chương trình Bí quyết ôn thi tốt nghiệp THPT đạt điểm cao.
Bằng kinh nghiệm đúc kết sau nhiều năm giảng dạy, mỗi GV sẽ "bật mí" cách ôn, mẹo làm bài thi sao cho thí sinh đạt kết quả cao nhất. Qua mỗi chuyên đề ôn thi trực tuyến, GV sẽ giúp học sinh (HS) tiết kiệm thời gian, tận dụng lợi thế của công nghệ để hứng thú với việc học, tích lũy kiến thức cho kỳ thi quan trọng.
Xuất phát từ thực tế đây là giai đoạn ôn thi nước rút do vậy các GV đã xây dựng trung bình mỗi môn thi có 10 chuyên đề và mỗi chuyên đề là bài giảng hệ thống kiến thức ôn tập một cách khoa học và thiết thực theo nguyên tắc ôn đến đâu chắc đến đó. Cụ thể, với độ dài khoảng 20 phút, các chuyên đề không chỉ gắn kết giữa nội dung hệ thống kiến thức của bậc THPT cùng với kỹ năng học hiểu lý thuyết mà bên cạnh đó còn là các định dạng bài tập phù hợp, bám sát định hướng đề tham khảo mà Bộ GD-ĐT đã công bố.
ÔN LÝ THUYẾT VÀ VẬN DỤNG GIẢI BÀI TẬP THỰC TIỄN
Theo đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT năm 2024 Bộ GD-ĐT đã công bố vào tháng 2 vừa qua, sẽ có một số câu hỏi vận dụng và vận dụng cao hướng đến thực tiễn có sự phân hóa cao để giúp các trường ĐH xét tuyển và xét tuyển ĐH. Trên cơ sở này, GV phụ trách từng môn thi tổ chức nội dung ôn tập và bài tập vận dụng phù hợp cho các HS.
Thầy Lê Minh Huy, Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11, TP.HCM), cho hay 10 chuyên đề ôn tập môn toán hệ thống những kiến thức đã học, trọng tâm của lớp 11 và lớp 12. Bên cạnh đó là vận dụng kiến thức vào giải một số dạng bài tập thường xuyên xuất hiện trong đề thi các năm gần đây và giải quyết một số bài toán vận dụng, vận dụng cao. Qua các bài giảng và giải các bài tập, thầy Lê Minh Huy sẽ nhắc lại cho HS các kiến thức quan trọng, nhấn mạnh các lỗi sai thường gặp. Từ đó HS lớp 12 chuẩn bị cho mình những kỹ năng cần thiết để bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Còn với môn hóa học, từ đề minh họa năm 2024 cho thấy, số lượng các câu lý thuyết và bài tập cơ bản chiếm từ 7 - 7,5 điểm. Trong khi bản chất lý thuyết là chìa khóa vạn năng để giải các bài tập hóa học, do vậy thạc sĩ Phạm Lê Thanh, GV Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11), xây dựng các chuyên đề ôn tập đáp ứng mục tiêu ôn luyện kỹ và xem trọng lý thuyết chủ đạo. Các bài giảng theo nguyên tắc không xa rời lý thuyết, xâu chuỗi nội dung kiến thức, vận dụng kiến thức để vận dụng giải bài tập.
Theo thạc sĩ Phạm Lê Thanh, thông qua chuyên đề ôn thi môn hóa, HS sẽ nắm bắt được các thủ thuật ôn nhanh, nắm chắc kiến thức nền tảng lý thuyết, trang bị đầy đủ công cụ giải toán nhanh, khả năng vận dụng linh hoạt các phương pháp giải nhanh bài tập trắc nghiệm, vận dụng vào các tình huống hóa học thực tế.
Qua các bài giảng, thầy Phạm Lê Thanh hướng dẫn đến HS mẹo nhớ nhanh lý thuyết và sơ đồ tư duy hệ thống các mạch kiến thức hóa học hữu cơ theo hướng tư duy, giúp HS rút ngắn thời gian ôn luyện, trang bị đầy đủ hành trang cho một kỳ thi thành công.
BÍ KÍP CHO TỪNG MÔN THI
Còn với môn thi ngữ văn, để giúp HS vượt qua cảm giác lo sợ, thầy Đỗ Đức Anh, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), chia sẻ những bí kíp "học văn khôn ngoan mà không gian nan" thông qua các chuyên đề. Từ cấu trúc của đề thi minh họa, thầy Đức Anh xây dựng 10 chuyên đề ôn thi tập trung vào kỹ năng như "Bí kíp đạt điểm tối đa phần đọc hiểu", đưa ra những dạng câu hỏi thường gặp trong bộ câu hỏi và hướng dẫn cách trả lời, mẹo tìm ý nếu bị "bí" khi trong phòng thi.
Thầy giáo của Trường THPT Bùi Thị Xuân còn hướng dẫn HS cách viết mở bài "lấy lòng" giám khảo, chia sẻ 25 nhận định văn học "siêu hay, học ngay kẻo lỡ" để các em tham khảo cho các bài nghị luận của mình. Những nhận định này sẽ giúp bài thi có sắc màu hơn, gây ấn tượng với người chấm và giành điểm bài viết sáng tạo.
Ngoài ra, GV sẽ cùng HS giải mã bí mật trong 4 câu hỏi đọc - hiểu hay bàn luận cách "chém gió" câu nghị luận xã hội. Hơn thế nữa, để hàng chục tác phẩm trong chương trình trở nên gọn gàng, hệ thống, HS dễ ghi nhớ và nhớ rất lâu, thầy Đức Anh còn giúp học trò không bị "lạc trôi" và tham gia vào các trạm "thực chiến" đề nghị luận văn học.
Còn với môn lịch sử, theo thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3), việc ôn tập sẽ bám cực sát với nội dung và cấu trúc đề tham khảo.
10 chuyên đề ôn thi sẽ phân chia theo nội dung các câu hỏi của đề. Mỗi câu hỏi, GV sẽ dành một phút để HS tự chọn câu trả lời. Sau đó ôn lại chính nội dung của câu hỏi đó và giải đáp tại sao chọn đáp án như vậy. Đồng thời, GV hướng dẫn HS sử dụng phương pháp loại suy khi cần thiết cũng như hướng dẫn phương pháp xử trí các câu hỏi vận dụng sẽ có trong đề thi.
Tương tự thạc sĩ Trần Ngọc Anh, GV môn địa lý Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), cho hay các chuyên đề ôn thi được xây dựng dựa trên các kiến thức cơ bản trong chương trình học lớp 12; các bài học trong sách giáo khoa có nội dung tương đồng được kết hợp để tạo nên chuyên đề ôn tập mang tính chất kết hợp so sánh. Sau mỗi nội dung sẽ có các tóm tắt dễ học - dễ nhớ bài hơn. Theo thầy Ngọc Anh, HS nên tăng cường việc liệt kê các từ khóa địa lý và phân tích các nội dung liên quan đến từ khóa trong các chủ đề, từng bài để hiểu tốt bài hơn.
Khi ôn tập theo các chuyên đề, HS sẽ nắm vững các kiến thức cơ bản về khái niệm, đặc điểm, biểu hiện hoặc các hệ quả địa lý và các kiến thức nâng cao về liên hệ, vận dụng, so sánh, tổng hợp… Bên cạnh đó là rèn luyện thường xuyên các nhóm kỹ năng (đọc Atlat từng trang, nhận xét biểu đồ - bảng số liệu, tính toán địa lý, chọn biểu đồ thích hợp) từ đó tổng hợp được phương pháp giải bài nhanh và đúng cho mỗi nhóm.
Giáo viên tham gia chương trình Bí quyết ôn thi tốt nghiệp THPT đạt điểm cao năm 2024
- Thầy Lê Minh Huy, GV toán Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11)
- Thầy Đỗ Đức Anh, GV ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1)
- Thầy Võ Thanh Bình, GV sinh học Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong
- Thầy Trần Ngọc Anh, GV địa lý Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa
- Cô Trần Thị Hồng Nhung, GV tiếng Anh, hệ thống Trường quốc tế Á Châu
- Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, GV lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3)
- Thầy Phạm Lê Thanh, GV hóa học Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11)
- Thầy Huỳnh Kiều Viết Lãm, GV vật lý Trường THPT Ernst Thälmann (Q.1)
- Cô Võ Thị Hậu, GV GDCD Trường THPT Marie Curie (Q.3)