Quyết định số 522/QĐ-TTg đã hướng dẫn rất rõ về đối tượng phân luồng và mục tiêu cụ thể được đặt ra đến năm 2025 có ít nhất 40% HS tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.
Tuy nhiên, nhìn từ thực tế, dễ dàng nhìn thấy công tác phân luồng HS sau khi tốt nghiệp THCS đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Theo kế hoạch tuyển sinh 10 của các địa phương cho năm học 2024 - 2025, đa phần chỉ tuyển vào lớp 10 công lập khoảng trên dưới 70% HS tốt nghiệp THCS. Thậm chí, có địa phương tỷ lệ tuyển vào lớp 10 công lập còn ít hơn.
Vì thế, ở một số tỉnh, thành lớn, kỳ thi chưa diễn ra nhưng có tới mấy chục ngàn thí sinh (TS) sẽ rớt lớp 10 công lập.
Thực hiện việc phân luồng HS là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với sự phát triển của xã hội và tình hình học tập của HS. Thế nhưng vì sao khi triển khai vẫn gặp nhiều vướng mắc?
Thứ nhất, hiện nay, phần lớn gia đình đều có điều kiện về kinh tế và mỗi gia đình chỉ có 1 - 2 con nên tâm lý chung là không muốn cho con học nghề sớm. Dù con em mình có học lực không tốt nhưng phụ huynh vẫn muốn con dự thi, nếu không đậu mới tính tiếp. Thứ hai, tình trạng dạy thêm, học thêm xảy ra khá phổ biến cộng với bệnh thành tích. Vì thế, điểm số của HS thường khá cao. Đa số HS lớp 9 khi hoàn thành chương trình đều được xếp loại học lực khá trở lên. Phụ huynh thấy con em mình có điểm số đẹp, cuối năm còn được khen thưởng thì việc định hướng không thi tuyển sinh 10 là vấn đề nan giải và rất khó thuyết phục được phụ huynh.
Chính vì thế, tỷ lệ HS đăng ký dự thi lớp 10 công lập ở các địa phương thường rất cao. Từ đó, áp lực thi tuyển sinh vào 10 công lập rất lớn vì UBND tỉnh, thành ấn định chỉ tiêu trước khi kỳ thi chưa diễn ra.
Để phân luồng hiệu quả, trước hết, các trường THCS cần thực hiện ngay từ đầu lớp 9 bằng cách tuyên truyền, định hướng cho HS và phụ huynh. Bên cạnh đó, nhà trường phải thực hiện đánh giá, xếp loại học lực của HS chính xác.