Chiều 9.5, Bộ GD-ĐT thông tin chính thức về hướng xử lý đối với 56.230 chứng chỉ IELTS của Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam (IDP VN) được tổ chức thi và cấp từ ngày 1.1 - 16.11.2022, khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ.
Theo đó, Bộ GD-ĐT khẳng định: "Các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài do các đơn vị liên kết tổ chức thi cấp, khi đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng, sẽ tiếp tục được sử dụng bình thường theo quy định của Bộ GD-ĐT về thi, tuyển sinh và đào tạo, không ảnh hưởng tới quyền lợi của người được cấp chứng chỉ".
Thực tế, trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Bộ GD-ĐT đã từng có động thái xác minh chứng chỉ ngoại ngữ và chỉ coi "chứng chỉ hợp pháp" là những chứng chỉ được cấp cho người dự thi tại VN trước ngày 10.9.2022.
Cụ thể, năm 2023, Cục Quản lý chất lượng của Bộ đã ban hành Công văn số 889/QLCL-QLVBCC ngày 9.6.2023 về việc hướng dẫn xác minh chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài. Tại công văn này, Bộ GD-ĐT yêu cầu xác minh chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài để miễn thi môn ngoại ngữ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Các chứng chỉ hợp pháp là chứng chỉ được cấp cho người dự thi tại VN trước ngày 10.9.2022 (đây là thời điểm Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 11/2022 quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài có hiệu lực thi hành); chứng chỉ được cấp cho người dự thi tại các địa điểm thi ghi trong quyết định của Bộ GD-ĐT phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ của nước ngoài tại VN sau ngày phê duyệt. Danh sách cơ sở được phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ được công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT và trang thông tin điện tử của Cục Quản lý chất lượng.
Thời điểm đó, Bộ GD-ĐT cũng hướng dẫn: "Việc xác minh chứng chỉ (mẫu và thông tin cụ thể in trên chứng chỉ) thực hiện bằng cách tra cứu tại trang thông tin điện tử chính thức của tổ chức thi cấp chứng chỉ, đơn vị liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tại VN hoặc yêu cầu người có chứng chỉ cung cấp thông tin, minh chứng".
Tuy nhiên, sau khi nhận được văn bản yêu cầu xác minh này vào thời điểm việc đăng ký thi đã hoàn tất, ngày thi đã gần kề, không ít trường THPT ở các thành phố lớn tỏ ra rất lo lắng. Họ cho rằng thí sinh (TS) chỉ biết dự thi và nhận được chứng chỉ ngoại ngữ hợp lệ chứ không thể biết được thời điểm và địa điểm dự thi có hợp lệ hay không. Nếu tra soát lại, TS trước đó đã được miễn thi, lại phải đi thi thì đẩy các em vào tình huống quá bất lợi cả về tâm lý lẫn sự chuẩn bị kiến thức cho kỳ thi. Đặc biệt, TS khi biết được miễn thi sẽ chủ quan không tập trung ôn tập môn ngoại ngữ trong khi thời gian từ nay đến ngày thi chỉ còn hơn 10 ngày nữa. Chính vì vậy, TS và các trường THPT đều mong muốn Bộ GD-ĐT có phương án đảm bảo quyền lợi cho thí sinh một cách sớm nhất.
Sau những hoang mang, lo lắng kể trên, ngày 15.6.2023, Cục Quản lý chất lượng đã có Công văn số 999/QLCL-QLVBCC gửi các sở GD-ĐT trong cả nước về việc sử dụng chứng chỉ để miễn thi bài thi ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, nêu rõ: "TS đã đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được sử dụng chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài thi và cấp sau ngày 10.9.2022 để xét miễn bài thi ngoại ngữ theo quy định".
Như vậy, thời điểm ban hành Công văn 999 nêu trên, Bộ GD-ĐT đã mặc nhiên thừa nhận việc sử dụng các chứng chỉ được cấp "chưa hợp pháp" vì không gây xáo trộn cho TS bởi vi phạm không phải của họ, ngay trước kỳ thi.
GÂY HOANG MANG CHO NGƯỜI HỌC
Lần này cũng tương tự, Bộ GD-ĐT khẳng định "sử dụng bình thường" với những chứng chỉ mà trước đó kết luận "tổ chức thi khi chưa được cấp phép".
Sau hàng loạt động thái trên của Bộ GD-ĐT, dư luận không khỏi băn khoăn về trách nhiệm quản lý, giám sát, xử lý việc thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và đề nghị Bộ GD-ĐT cần tránh tình trạng để xảy ra "việc đã rồi" mới giải quyết, gây hoang mang, lo lắng không đáng cho người học, mặc dù việc này hoàn toàn không phải lỗi ở họ.
Thông tin Thanh tra Bộ GD-ĐT kết luận IDP VN liên kết tổ chức thi và cấp chứng chỉ không đúng quy định khiến 56.230 chứng chỉ IELTS có thể mất giá trị làm nhiều người hoang mang.
Trong tối 8.5, Nguyễn Phúc Duy Khang, Trường ĐH RMIT (TP.HCM), cho rằng chưa biết "đi đâu về đâu" nếu trường hoặc Bộ GD-ĐT cho rằng chứng chỉ IELTS của anh vô giá trị, từ đó hủy kết quả trúng tuyển và yêu cầu phải thi mới. Còn M.P, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), thì lo ngại kết quả tốt nghiệp từ 2 năm trước sẽ bị hủy trong trường hợp chứng chỉ IELTS của cô bị xem là vô giá trị.
Chị V.H, một phụ huynh có con theo học lớp 12 tại Trường Phổ thông năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), bức xúc vì ngay sau thông tin của Thanh tra Bộ GD-ĐT, giáo viên chủ nhiệm đã nhắn tin báo rằng chứng chỉ của con chị "không hợp lệ" dù đạt 8.5, buộc phải nộp lại bản khác thi sau ngày 16.11 nếu muốn được miễn thi tiếng Anh, khiến chị V.H lo lắng các trường ĐH sẽ sớm có động thái tương tự.
"SẼ TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, GIÁM SÁT..."
Thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết đã đề nghị IDP VN tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm (nếu có) của tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của công ty để xảy ra những vi phạm nêu trên theo quy định pháp luật.
Sau sự việc này, đại diện Cục Quản lý chất lượng cũng khẳng định: "Thời gian tới, Cục sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị, tổ chức thực hiện đào tạo, liên kết đào tạo, tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý đối với sai phạm (nếu có), bảo đảm quyền lợi chính đáng của người học và người dự thi, đúng quy định của pháp luật".
Ngày 8.5, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã có kết luận thanh tra đối với một số đơn vị liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài (IELTS) với Công ty TNHH Giáo dục IDP VN. Theo kết luận trên, ngày 17.11.2022, Bộ GD-ĐT mới cho phép IDP VN cùng các bên VN liên kết tổ chức thi và cấp chứng chỉ, nhưng từ tháng 1.2022, IDP VN đã tổ chức thi và cấp 56.230 chứng chỉ IELTS khi chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép. Cụ thể, từ 1.1 - 9.9.2022, IDP VN tổ chức 458 đợt thi tại hơn 30 tỉnh, thành và cấp 46.643 chứng chỉ IELTS. Giai đoạn từ 10.9 - 16.11.2022, IDP VN tổ chức 97 đợt thi trực tiếp, cùng các kỳ thi trên máy tính ở Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, cấp thêm 9.587 chứng chỉ.
Tại VN, việc phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài được đề cập tại Nghị định 86/2018 (có hiệu lực từ 1.8.2018), trong đó có nêu rõ thời hạn, hồ sơ, thủ tục thực hiện và thẩm quyền phê duyệt thuộc Bộ GD-ĐT. Song đến tháng 7.2022, Bộ GD-ĐT mới ban hành thông tư hướng dẫn (có hiệu lực từ 10.9.2022), yêu cầu các đơn vị làm đề án để trình Bộ GD-ĐT cấp phép.
Theo Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp, việc ban hành thông tư trên của Bộ GD-ĐT là "chậm" so với thời điểm được Chính phủ giao tại Nghị định 86/2018, vốn đã ban hành từ tháng 6.2018.
Phản hồi từ IDP VN
Sáng 9.5, trên fanpage và website chính thức, IDP VN lên tiếng về vụ cấp sai quy định 56.230 chứng chỉ IELTS trong năm 2022. IDP VN cho biết những chứng chỉ này vẫn được hơn 12.000 tổ chức trên thế giới công nhận, trong đó có nhiều trường ĐH trong, ngoài nước. "Thế nên, nếu sở hữu chứng chỉ IELTS được cấp từ ngày 1.1 đến 16.11.2022, TS vẫn có thể an tâm sử dụng", đại diện IDP VN khẳng định với Thanh Niên. IDP VN cho biết thêm, đơn vị này sẽ tiếp tục phối hợp, làm việc chặt chẽ với Bộ GD-ĐT để tuân thủ yêu cầu của cơ quan quản lý các cấp sở tại.