Học phí cao: Cần sửa chính sách tín dụng sinh viên

14:35 - 06/09/2024

Nhiều năm nay, nhà nước đã có các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ và cho vay tín dụng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng với xu hướng học phí ĐH tăng cao, cần phải có giải pháp tài chính đủ mạnh để cả người học thuộc gia đình có mức sống trung bình vay tiền đi học.

Trong buổi làm việc với Thành ủy TP.HCM về kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI chiều 17.8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị chính quyền TP.HCM cân nhắc, tính toán kỹ, đặc biệt là vai trò của Ngân hàng Chính sách xã hội với các cơ chế cho sinh viên (SV) vay tiền đi học.

Ngày 12.8, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 91-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong đó, một nội dung quan trọng là việc hoàn thiện chính sách hỗ trợ người học từ ngân sách thông qua cấp học bổng hoặc hỗ trợ miễn, giảm học phí đối với các ngành, nghề nhà nước cần ưu tiên phát triển ở các trình độ đào tạo, mở rộng đối tượng và nâng mức ưu đãi cho vay tín dụng.

Học phí cao: Cần sửa chính sách tín dụng sinh viên

Học phí là mối bận tâm lớn khi thí sinh trúng tuyển đại học

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

14 NĂM CÓ TRÊN 3,6 TRIỆU NGƯỜI HỌC VAY VỐN

Chính sách tín dụng đối với học sinh (HS), SV bắt đầu thực hiện từ năm 1998 với mức vay tối đa 150.000 đồng/tháng. Từ 1998 đến nay, quy định về tín dụng SV đã được sửa đổi nhiều lần. Mới nhất, theo Quyết định 05/2022 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 157/2007 về tín dụng đối với HS-SV thì từ ngày 19.5, mức vay tối đa của mỗi người được điều chỉnh lên 4 triệu đồng/tháng.

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội và Bộ GD-ĐT, qua hơn 14 năm thực hiện (2007 - 2021), tổng doanh số cho vay từ khi thực hiện đến ngày 31.12.2020 đạt 66.011 tỉ đồng. Chương trình đã hỗ trợ trên 3,6 triệu HS-SV được vay vốn để trang trải chi phí học tập. Trong đó, tổng số SV có việc làm sau khi ra trường chiếm tỷ lệ 68%, với mức thu nhập trung bình 6 triệu đồng/tháng. Báo cáo này cũng cho thấy tỷ lệ người học có nhu cầu vay vốn chiếm từ 10 - 15% số lượng nhập trường hằng năm. Cũng theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, ở thời điểm năm 2021, mức chi phí học tập của một HS-SV khoảng 6,5 - 9,5 triệu đồng/tháng (tính với mức học phí cao nhất). Mức cho vay 2,5 triệu đồng tháng mới chỉ đáp ứng được 38,5% nhu cầu chi phí học tập cho người học. Khi tăng mức cho vay 4 triệu đồng/tháng, số tiền này tương ứng 61% mức chi phí học tập tối thiểu và 42% mức chi phí học tập tối đa của HS-SV. Có thể nói, chính sách hiện tại đang đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ người học có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục học tập.

Nhưng số liệu thống kê từ Bộ GD-ĐT cho thấy chỉ riêng bậc ĐH giai đoạn 2015 - 2023 có từ trên 365.000 - 546.000 thí sinh trúng tuyển nhập học mỗi năm. Tính quy mô mỗi năm học, có xấp xỉ 1,5 đến trên 2 triệu người theo học ĐH mỗi năm (chưa kể người học các bậc học khác). Từ đó, có thể thấy trên 3,6 triệu HS-SV được vay vốn học tập trong 14 năm đầu triển khai là chưa nhiều.

Những số liệu thực tế từ cơ sở đào tạo cũng cho thấy chính sách tín dụng này chưa đáp ứng hết nhu cầu vay vốn của người học. Một khảo sát của ĐH Quốc gia TP.HCM có trên 52% trong số 39.000 trường hợp tham gia khảo sát đề nghị có chính sách hỗ trợ SV gặp khó khăn. Tương tự, một thống kê của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cũng cho thấy số SV có hoàn cảnh khó khăn cần vay vốn nhiều nhưng chưa được đáp ứng hết. Từ đầu năm 2018 đến giữa năm 2021, trường này có khoảng 4.400 người học làm giấy xác nhận để vay vốn. Tuy nhiên, số SV được vay từ ngân hàng chính sách địa phương chỉ khoảng 2.500 người.

Học phí cao: Cần sửa chính sách tín dụng sinh viên

Nhiều ý kiến đề nghị nên mở rộng đối tượng và giảm lãi suất cho vay tín dụng sinh viên

ĐÀO NGỌC THẠCH

NÊN MỞ RỘNG ĐỐI TƯỢNG VÀ GIẢM LÃI SUẤT CHO VAY

PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công thương TP.HCM, đề nghị nên mở rộng đối tượng và giảm lãi suất cho vay. Chính sách tín dụng SV từ năm 2022 đã cho phép SV vay 4 triệu đồng/tháng, nhưng đối tượng được vay còn hẹp và lãi suất vẫn cao. Một hướng cải cách có thể là mở rộng đối tượng được vay bằng cách bao gồm các SV thuộc các gia đình có thu nhập trung bình hoặc thấp, không chỉ giới hạn ở những hộ nghèo hoặc cận nghèo. Nhà nước có thể hỗ trợ một phần lãi suất hoặc hoàn toàn để giảm gánh nặng tài chính cho SV, tạo điều kiện cho nhiều người hơn có thể tiếp cận nguồn vay này. Ngoài ra, có thể cân nhắc cho phép SV tự đứng tên vay mà không cần sự bảo lãnh từ phụ huynh, giúp họ tự chủ hơn trong việc quản lý tài chính.

Bên cạnh đó, PGS-TS Hoàn cũng cho rằng cần tăng cường sự tham gia của các ngân hàng thương mại vào các chương trình tín dụng cho SV với các điều kiện ưu đãi, chẳng hạn như lãi suất thấp hơn thị trường, thời gian trả nợ linh hoạt hơn. Nhà nước có thể đóng vai trò là người bảo lãnh hoặc cung cấp các khoản bảo lãnh tín dụng cho các ngân hàng để giảm thiểu rủi ro và tạo động lực cho các ngân hàng tham gia vào chương trình.

"Thay vì coi việc vay tiền đi học là một gánh nặng tài chính, SV và xã hội cần nhìn nhận việc này như một khoản đầu tư cho tương lai, giúp SV có thể tiếp cận giáo dục và sau đó phát triển sự nghiệp của mình. Nhà nước có thể tạo ra các chương trình giáo dục tài chính để SV hiểu rõ hơn về lợi ích của việc vay tiền đi học và cách quản lý tài chính cá nhân", PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn nêu quan điểm.

Tiến sĩ Quách Hoài Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nha Trang, cho rằng chính sách tín dụng với HS-SV hiện chỉ áp dụng với người học thuộc các gia đình khó khăn nên đối tượng người học được thụ hưởng còn hẹp. Cụ thể gồm: hộ nghèo, cận nghèo, có mức sống trung bình; mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động; gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh. Tiến sĩ Nam cho rằng học phí bậc ĐH ngày càng cao, người học thuộc nhóm khác cũng cần được hỗ trợ tài chính để có thể theo học. Tiến sĩ Nam đề nghị: "Trong điều kiện nguồn lực nhà nước hạn chế, trước mắt có thể mở rộng chính sách tín dụng này với người theo học các lĩnh vực ngành nghề nhà nước muốn khuyến khích, ưu tiên đào tạo như: nông-lâm-ngư nghiệp, công nghệ kỹ thuật…".

Cùng với chính sách tín dụng, tiến sĩ Quách Hoài Nam cho rằng quy định cấp xét học bổng hiện nay cũng cần xem xét lại. Quy định hiện hành, các trường ĐH dành khoảng 8% nguồn thu học phí để cấp học bổng cho SV. Tuy nhiên, học bổng này hiện chỉ căn cứ vào thành tích học tập. Nhưng kết quả một khảo sát từng được công bố cho thấy có tới 2/3 SV nhận học bổng này thuộc các gia đình có điều kiện.

"Cách làm của nhiều trường ĐH trên thế giới là học bổng dành cho 2 nhóm SV: xuất sắc hoặc khó khăn. Do đó, nên chăng thay đổi quy định cấp xét học bổng theo hướng cho phép các trường đưa ra tiêu chí cấp xét học bổng phù hợp hơn", tiến sĩ Nam đề xuất.

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Sui Gia Nan Giải - SCTV9

 

Cuộc sống hôn nhân - SCTV9

Bà xã cát tường - SCTV9

 

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...