Cô trò cùng cố gắng
Ba Đình là một trong những quận của TP.Hà Nội có số GV nhận giảng dạy nhiều nhất với 22 GV. Đến thời điểm này đã có khoảng gần 500 tiết dạy của GV quận Ba Đình cho các trường ở Yên Bái theo hình thức trực tuyến.
Chia sẻ với PV Thanh Niên, cô Phạm Thu Trà, GV Trường THCS Phan Chu Trinh (Q.Ba Đình), cho biết cô đang dạy trực tuyến cho HS lớp 8 của Trường THCS Phan Thanh (H.Lục Yên, Yên Bái). Cô Trà cũng được chọn dạy mẫu một số tiết để tham khảo trước khi tiến hành dạy chính thức.
"Ban đầu nhận nhiệm vụ này tôi cũng thấy áp lực vì không chỉ dạy học mà còn chịu trách nhiệm cả việc ra đề kiểm tra, đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ với lớp học mà mình đảm nhận", cô Trà tâm sự.
Tuy nhiên, sau một thời gian, cả cô và trò đều khắc phục được nhiều khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu. Sĩ số HS ở lớp cô Trà dạy chỉ có hơn 20 em cũng là một lợi thế để cô quan tâm tới từng HS dù là giờ học trực tuyến.
"Điều tôi ấn tượng nhất là HS rất nghiêm túc, năng lực học tiếng Anh của nhiều con cũng không quá chênh lệch so với HS của Hà Nội", cô Trà nói. Dù vậy, theo cô, phương pháp dạy học với HS Trường THCS Phan Chu Trinh với trường ở Yên Bái cũng có những khác biệt do điều kiện dạy trực tuyến không thể bằng trực tiếp.
Ví dụ, ở Hà Nội, có những nội dung chỉ cần giảng 1 -2 câu nhưng khi dạy trực tuyến cho HS Yên Bái thì nội dung ấy phải dừng lại lâu hơn, mất thời gian hơn. Nguyên nhân lớn nhất, cô Trà nói, không phải do trình độ của HS 2 địa phương quá khác biệt mà là do dạy trực tuyến, nhiều khi cô giáo phải nói đi nói lại HS mới nghe rõ.
Cũng theo cô Trà, HS ở Yên Bái rất hào hứng với những giờ giảng mà cô ứng dụng công nghệ để thiết kế, học thông qua các trò chơi, qua ứng dụng AI… Khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là vấn đề về kỹ thuật, thiết bị và đường truyền ở phía trường học của tỉnh bạn.
Đường truyền không ổn định, cả lớp chỉ có một camera nên nhiều khi cô giáo ở đầu cầu Hà Nội hỏi nhưng không thấy tiếng HS nào ở Yên Bái trả lời; những HS ngồi ở cuối lớp học cũng không nhìn rõ hoặc nghe rõ lời giảng hoặc yêu cầu của cô…
"Nói là hài lòng và yên tâm 100% thì chưa thể nhưng cả cô và trò đều tìm cách khắc phục dần. Ví như cô yêu cầu HS ngồi ở cuối khi cần thiết sẽ phải đi lên phía trên lớp học gần camera hơn để tương tác với GV…", cô Trà chia sẻ và cho hay, hiện cô và các đồng nghiệp ở trường học đã dạy đủ hoặc vượt số tiết theo quy định tại trường học ở Hà Nội nhưng đều rất vui khi tham gia vào chương trình hỗ trợ dạy tiếng Anh cho tỉnh Yên Bái với mong muốn chung là tạo cơ hội học tập bình đẳng cho các em dù ở nơi còn khó khăn.
Dạy học không có thù lao nhưng cô Trà vẫn bỏ tiền túi ra để mua quà gửi lên động viên khen thưởng HS Yên Bái, để các em tự tin hơn, cô trò gần nhau hơn dù chỉ mới tiếp xúc qua "màn ảnh nhỏ".
Tương tự, cô Nguyễn Bích Thủy, GV Trường THCS Ba Đình, cho hay dù đang dạy bộ sách tại THCS Ba Đình nhưng cô vẫn dành thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu và soạn giáo án kỹ càng cho các bài học trong sách khác để dạy HS Trường PTDT bán trú tiểu học và THCS Khấu Ly (H.Trạm Tấu, Yên Bái).
Cô Bích Thủy kể, một vài tiết dạy đầu tiên cô gặp khá nhiều khó khăn trong giao tiếp cũng như truyền đạt kiến thức bởi đa số các em HS là người dân tộc, không nói được tiếng Kinh; các em còn nhút nhát, năng lực còn hạn chế.
Không chỉ vậy, cơ sở vật chất lại chưa được tốt, nhiều HS có hoàn cảnh khó khăn nên ít có cơ hội được tiếp xúc với các phương pháp dạy học tiên tiến. Nhưng sau một thời gian, các em dần bắt nhịp được cách học, tích cực tham gia phát biểu xây dựng bài cũng như tham gia các hoạt động trực tuyến trong bài học.
Theo cô Thủy, HS ở H.Trạm Tấu còn nhiều khó khăn nhưng vẫn cố gắng học, tương tác rất nhiệt tình với các câu hỏi và hoạt động GV đưa ra. Do vậy, GV cũng tự nhủ phải cố gắng hết sức để vận dụng những phương pháp dạy học vừa lôi cuốn, vừa phù hợp để các em HS có thể nắm vững kiến thức cũng như yêu mến môn tiếng Anh nhiều hơn.
Hà Nội sẵn sàng mở rộng hỗ trợ
Yên Bái hiện là một trong những địa phương thiếu GV tiếng Anh trầm trọng nhất cả nước do không có nguồn tuyển. Toàn tỉnh thiếu trên 2.000 GV, đặc biệt là môn tiếng Anh. Tỉnh này đã tìm mọi cách xoay sở, như mỗi năm biệt phái hàng chục GV môn học này từ vùng thuận lợi lên các huyện vùng cao như Trạm Tấu, Mù Cang Chải; hỗ trợ 100 triệu đồng để tuyển dụng GV tiếng Anh cho vùng cao..., song tình trạng thiếu GV không được cải thiện là bao.
Theo ông Vương Văn Bằng, Giám đốc Sở GD-ĐT Yên Bái, sự hỗ trợ kịp thời của ngành GD-ĐT Hà Nội đã giúp ngành GD-ĐT Yên Bái khắc phục phần nào khó khăn kể trên. Các GV của Hà Nội mặc dù đều kín lịch dạy tại trường mình nhưng đều rất nhiệt tình thu xếp thời gian hỗ trợ dạy HS các trường ở Yên Bái.
Để bảo đảm các tiết dạy hiệu quả, ông Bằng cho biết, Sở GD-ĐT Yên Bái cử 118 GV tham gia trợ giảng, hỗ trợ GV Hà Nội tại từng lớp học. Hai bên cũng thường xuyên trao đổi, nắm bắt tình hình, tiến độ triển khai để có chỉ đạo, hướng dẫn phù hợp với từng đơn vị.
GV các trường học của Yên Bái cũng chủ động liên hệ, thường xuyên trao đổi để thống nhất kế hoạch, thời khóa biểu dạy học, tạo điều kiện để không gây quá tải hoặc trùng lặp thời gian lên lớp giữa 2 trường của GV Hà Nội.
Từ hiệu quả của chương trình, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, khẳng định Hà Nội sẵn sàng mở rộng hình thức hỗ trợ giảng dạy trực tuyến cho học sinh các cấp học khác; đồng thời tăng cường triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ, bồi dưỡng chuyên môn cho GV tiếng Anh nói riêng và các môn học khác nói chung ở Yên Bái.
Tính đến ngày cuối tháng 3, các thầy, cô giáo của Hà Nội đã thực hiện giảng dạy được hơn 600 tiết tại 17 trường THCS ở Yên Bái.