Theo đó đề thi học sinh giỏi môn ngữ văn có 2 câu và thang điểm là 20. Nội dung như sau:
Câu 1. Nghị luận xã hội (8,0 điểm)
Trải nghiệm - ghi lại - tức thời chia sẻ lên mạng xã hội có nên là phương cách khẳng định giá trị của người trẻ trong thời đại ngày nay?
Câu 2. Nghị luận văn học (12,0 điểm)
"Các kiệt tác lớn là vô tận; mỗi thế hệ hiểu chúng theo cách của mình: như vậy có nghĩa là các độc giả tìm thấy ở đó điều gì rọi sáng một phương diện trải nghiệm của họ. Nhưng nếu như một tác phẩm là vô tận, điều đó không có ý nói rằng nó không có nghĩa khởi thủy, hay chủ ý tác giả không phải là tiêu chuẩn của nghĩa khởi thủy ấy. Cái vô tận, là ý nghĩa của nó, là tính thích đáng của nó ở bên ngoài bối cảnh nó xuất hiện".
Bằng hiểu biết và trải nghiệm văn học, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.
Với nội dung đề thi học sinh giỏi nói trên, thạc sĩ Phan Thế Hoài, dạy ngữ văn tại Q.Bình Tân (TP.HCM), nhận xét: "Câu nghị luận xã hội đặt ra một vấn đề rất thiết thực, gần gũi với cuộc sống hôm nay, trong đó có tuổi trẻ: trải nghiệm - ghi lại - tức thời chia sẻ lên mạng xã hội. Đây là câu hỏi mở, thí sinh tự do bày tỏ quan điểm của bản thân miễn sao thuyết phục về lý lẽ".
Ở câu nghị luận văn học, thạc sĩ Hoài nhận định, cách hỏi có chút lắt léo, hàn lâm, thí sinh cần đọc kỹ đề để giải mã nội dung câu hỏi về vai trò của bạn đọc trong tiếp nhận văn học. Thạc sĩ Hoài gọi đây là một đề thi khá hay, khó, xứng tầm, có tính phân loại cao.
Trong khi đó, giáo viên Đỗ Đức Anh, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), đánh giá 2 yêu cầu của 2 câu trong đề thi học sinh giỏi có sự chênh lệch quá lớn.
Thầy Đức Anh đánh giá: "Câu nghị luận xã hội có thể nói rằng quá nhẹ nhàng, dành cho đề kiểm tra của học sinh lớp 10, 11, không xứng đáng là đề thi học sinh giỏi quốc gia. Còn câu nghị luận văn học, thì câu chữ trừu tượng, nhìn thấy nặng nề, lớn lao, rất vô tận".
Cũng theo thầy Đức Anh, đề thi môn ngữ văn này nặng về tính văn học mà thiếu đi hơi thở cuộc sống văn học.