AI tạo sinh với khả năng trả lời các câu hỏi kiến thức, làm văn, sáng tác thơ, vẽ tranh, làm video từ văn bản và tâm sự trò chuyện với người dùng đã có những bước phát triển theo cấp số nhân kể từ khi ChatGPT ra đời tháng 11.2022.
Mặc dù, các nhà phát triển AI tạo sinh giới hạn độ tuổi sử dụng là 18 trở lên nhưng thực tế là học sinh phổ thông đã biết cách sử dụng các ứng dụng như Gemini, ChatGPT, MidJourney, Gramarly, Adobe Firefly…
Trong một cuộc khảo sát của AI Education (Google) vào tháng 12.2023 tại một trường THPT ở TP.HCM, 39,3% trong số 267 học sinh đã sử dụng ít nhất một công cụ AI tạo sinh hỗ trợ cho việc học tập và giải trí. Các em biết đến những công cụ này qua các phương tiện truyền thông đại chúng hoặc do chính phụ huynh giới thiệu. Mục đích sử dụng cũng khá đa dạng như: học tiếng Anh; giải bài tập các môn học toán, tin học; vẽ tranh ảnh cho các bài thuyết trình trong lớp; tìm ý tưởng cho các dự án; trò chuyện tâm sự với AI chatbot…
Những hệ lụy nếu không được hướng dẫn
Việc học sinh sử dụng AI tạo sinh một cách không chính thức có thể dẫn đến nhiều hệ lụy. Học sinh không được hướng dẫn để đánh giá lại tính chính xác, sự thiên vị trong những kết quả do AI tạo sinh cung cấp. Các em cũng sẽ khó ý thức được về những vi phạm bản quyền có thể xuất hiện trong những câu trả lời do nguồn dữ liệu đào tạo công cộng mà các nhà phát triển sử dụng. Nghiêm trọng hơn là các em sẽ sử dụng những "sáng tạo" của AI cung cấp mà không trích dẫn nguồn gốc trong các bài tập, bài kiểm tra, dự án thực hiện trong lớp học.
Khi chia sẻ một số ứng dụng AI tạo sinh cho phụ huynh có con đang học tiểu học và THCS, chúng tôi nhận thấy đa số phụ huynh đều rất hào hứng khi chứng kiến AI có thể làm được những điều như giải bài tập, vẽ tranh, làm tập làm văn, học ngoại ngữ. Phụ huynh vui vì nhận thấy đây là các "trợ lý" miễn phí giúp mình giải bài toán vô cùng đau đầu: dạy con ở nhà! Thật ra, việc này cũng cần được khuyến khích khi phụ huynh hiểu đầy đủ những rủi ro và biết cách hướng dẫn con sử dụng một cách có đạo đức và trách nghiệm. Vấn đề là ai sẽ chia sẻ và hướng dẫn phụ huynh những điều quan trọng này?
Những lo ngại học sinh trở nên lười suy nghĩ, mất đi tính sáng tạo và bị phụ thuộc vào AI tạo sinh cũng rất đáng để quan tâm. Học sinh cũng có thể bị nghiện khi sử dụng AI cũng như các công cụ công nghệ khác dẫn đến sự phát triển mất cân bằng giữa thể chất và tinh thần.
Giáo viên cần được tập huấn về năng lực ứng dụng AI
Giải pháp cho vấn đề này trước hết chính là vai trò của giáo viên trong quá trình tương tác hàng ngày học sinh. Khảo sát AI Education trước khi tham gia các khóa đào tạo AI cho giáo viên tổ chức đầu tháng 7 ở TP.HCM cho thấy 69,2% giáo viên gần như chưa từng sử dụng bất cứ ứng dụng AI tạo sinh nào.
Các chuyên gia UNESCO đã ví sự phát minh AI tạo sinh là một tiến bộ khoa học công nghệ giống như phát minh ra điện hoặc internet. Không thể không cho học sinh sử dụng AI tạo sinh mà cần hướng dẫn học sinh sử dụng một cách an toàn, có trách nhiệm và cân bằng. UNESCO đề xuất độ tuổi có thể bắt đầu sử dụng AI tạo sinh từ 13 tuổi trở lên.
Google giáo dục đang thử nghiệm cho học sinh độ tuổi từ 13 sử dụng công cụ AI trong lớp học ở một số quốc gia để lượng giá trước khi tích hợp Gemini vào trong hệ thống lớp học. Học sinh ở độ tuổi nhỏ hơn nếu sử dụng Ai tạo sinh phải có sự giám sát của cha mẹ hoặc người bảo hộ bằng những công cụ trên các thiết bị như kiểm soát thời gian, nội dung sử dụng, chế độ tắt tự động…
Một trong những giải pháp quan trọng mà UNESCO đề xuất các quốc gia là giáo viên phổ thông cần được tập huấn để có những hiểu biết đúng đắn và năng lực ứng dụng AI trong giảng dạy và quản lý lớp học. Và quan trọng hơn chính là giáo viên có thể hướng dẫn học sinh biết cách sử dụng AI tạo sinh một cách hiệu quả, có trách nhiệm và cân bằng.
Yêu cầu các nhà phát triển ứng dụng AI có những cam kết
Bên cạnh đó, các quốc gia cũng cần có những chính sách cụ thể và chế tài hiệu quả để các nhà phát triển ứng dụng AI đảm bảo cam kết không sử dụng dữ liệu của học sinh đào tạo cho hệ thống của họ, đồng thời phải đầu tư nguồn lực để đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa rủi ro bị mất kiểm soát khi AI tạo sinh phát triển với tốc độ cấp số nhân.
Trong khi đó, trên trang chủ của UNESCO từ nhiều tháng qua là lời kêu gọi "Các chính phủ phải nhanh chóng quản lý AI tạo sinh trong trường học trong mùa hè 2024, trước khi học sinh trở lại trường học vào tháng 9 tới".