Hôm nay, 8.10, đại diện Ban giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội, tiếp tục trả lời báo chí những nội dung xung quanh vụ việc tân sinh viên trong thời gian học giáo dục quốc phòng an ninh đã phải ăn "cơm thừa canh cặn", thậm chí trong một số suất ăn còn có cả "dị vật". Thông tin mới nhất được đại diện Ban giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ là nhà ăn A15 ĐH Bách khoa Hà Nội tạm dừng hoạt động.
Theo PGS Huỳnh Đăng Chính, Phó giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội, ngay từ sáng 8.10 ĐH Bách khoa Hà Nội đã ngừng hợp đồng với Công ty CP dịch vụ đầu tư thương mại Bách khoa, đơn vị cung cấp suất ăn cho tân sinh viên trong thời gian các em học giáo dục quốc phòng an ninh.
Sáng cùng ngày, Vụ Giáo dục quốc phòng và an ninh, Bộ GD-ĐT cùng cơ quan y tế địa phương đã đến kiểm tra, làm việc với trường. Kết quả chưa được công bố. PGS Huỳnh Đăng Chính cũng khẳng định, vụ việc chưa dừng lại ở đây. Quan điểm của ĐH Bách khoa Hà Nội là sẽ tiếp tục cùng cơ quan chức năng làm rõ, không chỉ để giải quyết rốt ráo sự việc mà còn để ngăn chặn sự tái phạm.
Công ty CP dịch vụ đầu tư thương mại Bách khoa cũng là đơn vị trúng thầu phục vụ dịch vụ ăn uống tại nhà ăn A15 từ nhiều năm nay. Vì thế, khi ngừng hợp đồng với Công ty CP dịch vụ đầu tư thương mại Bách khoa, ĐH Bách khoa Hà Nội phải tạm đóng cửa nhà ăn A15, do chưa tìm được đơn vị thay thế.
500 sinh viên đang học giáo dục quốc phòng và an ninh chuyển sang nhà ăn dành cho cán bộ, giảng viên của trường (do số lượng tân sinh viên đông nên ĐH Bách khoa chia ra nhiều đợt giáo dục quốc phòng an ninh). ĐH Bách khoa Hà Nội giao cho Ban Công tác sinh viên giám sát toàn bộ khâu liên quan đến bữa ăn, từ thực phẩm đưa vào đến khẩu phần ăn. Ban Công tác sinh viên cũng được giao nhiệm vụ khảo sát ý kiến sinh viên, đặt mã QR code ghi nhận phản ánh của các em.
"Tuy có tên Bách khoa nhưng không có mối liên quan nào với ĐH Bách khoa Hà Nội"
PGS Huỳnh Đăng Chính cũng cho biết, việc hợp đồng với các đơn vị bên ngoài cung cấp các dịch vụ cho sinh viên, cán bộ, giảng viên, nhân viên ĐH Bách khoa Hà Nội được làm theo đúng quy định. Khi ký kết với các đơn vị bên ngoài, ĐH Bách khoa Hà Nội đều báo cáo với Bộ GD-ĐT, và được Bộ GD-ĐT cho phép. "Công ty CP dịch vụ đầu tư thương mại Bách khoa tuy có từ bách khoa trong tên của họ, nhưng hoàn toàn không có mối liên quan nào với ĐH Bách khoa Hà Nội", PGS Huỳnh Đăng Chính chia sẻ.
Theo tìm hiểu của Báo Thanh Niên, Công ty CP dịch vụ đầu tư thương mại Bách khoa có tên tiếng Anh và tên viết tắt là BACH KHOA SERTRA., JSC, có địa chỉ là số nhà 96, tổ 35, P.Hoàng Văn Thụ, Q.Hoàng Mai, TP.Hà Nội. Đại diện pháp nhân của công ty mang tên Dương Văn Thế. Công ty đăng ký gần 60 mã số ngành nghề kinh doanh, đủ lĩnh vực, từ xuất bản cho đến xây dựng, lắp đặt điện nước, kinh doanh thực phẩm, nhà hàng và các dịch vụ ăn uống lưu động…
Trước đó, Báo Thanh Niên đã đưa tin, theo phản ánh, tân sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội bị cho ăn "cơm thừa canh cặn" trong thời gian học giáo dục quốc phòng an ninh. Trong khi đó, sinh viên phải đóng tiền ăn 85.000 đồng/ngày (15.000 cho bữa sáng, 30.000 đồng/bữa cho 2 bữa chính), ăn tại nhà ăn A15, nhà ăn dành cho sinh viên của ĐH Bách khoa Hà Nội.
Theo ĐH Bách khoa Hà Nội, tinh thần xử lý của Ban giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội là trực tiếp chịu trách nhiệm, công khai và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân liên quan đảm bảo quyền lợi của người học.
"Đây là một sự việc đáng tiếc xảy ra, ĐH Bách khoa Hà Nội xin được gửi lời xin lỗi và mong muốn nhận được sự cảm thông, chia sẻ của các bậc phụ huynh, các em sinh viên. Nhà trường mong muốn luôn nhận được các ý kiến đóng góp của xã hội, người học để các hoạt động của nhà trường ngày một tốt hơn", một đại diện lãnh đạo ĐH Bách khoa Hà Nội nói.