Đặc biệt, khối C cùng có 19 thủ khoa, thành phần điểm thi của các thí sinh giống hệt nhau: văn 9,75; sử và địa đều 10. Trong đó, 13 thủ khoa ở Bắc Ninh; 2 em ở Nghệ An; 4 em còn lại ở Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa.
Các khối còn lại mỗi khối chỉ có một thủ khoa. Thủ khoa khối A ở Bắc Ninh (toán 9,6, lý, hóa đều 10). Thủ khoa khối A1, ở TP.HCM (toán và tiếng Anh đều được 9,8; lý 10). Thủ khoa khối B1 ở Hải Phòng (toán 9,8; hóa 10; sinh 9,75). Thủ khoa khối D ở Vĩnh Phúc (toán 9; văn 9,75; tiếng Anh 10).
Để lý giải vì sao "lạm phát" thủ khoa khối C, Báo Thanh Niên đã thống kê sơ bộ điểm 10 của các môn thi thì nhận thấy có một số yếu tố lợi thế cho khối C như sau:
Thí sinh dự thi các môn sử, địa vượt trội so với các môn lý, hóa, sinh.
Điểm 10 "nở hoa" tưng bừng ở các môn sử, địa, trong khi lại khá "hẻo" ở các môn lý, hóa, sinh. Cụ thể, số lượng điểm 10 từng môn như sau: lý 53; hóa 1.221; sinh 34; sử 2.018; địa 3.061.
Môn toán không có điểm 10 nào, điểm cao nhất của môn toán là 9,8 và chỉ 43 em đạt được mức này. Môn văn có 2 em đạt điểm 10 (Đồng Tháp, Nam Định), 1.843 em đạt 9,75 điểm. Trong khi đó, số thí sinh dự thi của môn toán còn nhỉnh hơn số thí sinh dự thi môn toán 972.753 em; văn 910.723 em.