Dựa vào dữ liệu điểm thi của Bộ GD-ĐT, Báo Thanh Niên đã phân tích điểm thi theo từng tổ hợp môn thi, trong đó tập trung vào 4 tổ hợp được các trường ĐH sử dụng phổ biến hơn cả trong việc xét tuyển: A00 (toán, lý, hóa), A01 (toán, lý, tiếng Anh), D07 (toán, hóa, tiếng Anh), D01 (toán, văn, tiếng Anh).
Kết quả phân tích cho thấy 3 tổ hợp A00, A01, D07 khá tương đồng. Riêng tổ hợp D01, tổ hợp hay được các trường sử dụng xét cùng với A01, thì cao bất thường. Trong khoảng điểm từ 15 - 26, số lượng thí sinh (TS) D1 chiếm áp đảo so với 3 tổ hợp còn lại theo mức điểm tương ứng. Ở mức từ 15 điểm trở lên, nguồn tuyển của D01 cao gấp 2,46 lần A00. Lên cao hơn 2 điểm, khoảng cách D01 với các tổ hợp còn lại gần hơn, nhưng nguồn tuyển D01 (682.103 lượt TS) vẫn cao gấp 2,29 lần A00 (297.682 lượt TS). Lên đến 19 điểm thì nguồn tuyển D01 gấp đôi A00 (512.657 với 251.914 lượt TS).
Từ khoảng điểm 20 - 26 điểm, TS tổ hợp D01 vẫn chiếm vượt trội. Ở mức từ 20 điểm trở lên A00 có 220.308 lượt TS; A01 có 192.723 lượt TS; D01 có 418.344 lượt TS (gấp 1,9 lần A00). Càng lên mức cao thì lượng TS D01 điểm cao hạ gần hơn với lượng TS điểm tương ứng các tổ hợp còn lại.
Ở mức 22 điểm, D01 có lượt TS cao gấp 1,67 khối A00 (240.931 khối D01 với 143.969 khối A00). Ở mức 24 điểm trở lên D01 là 90.736, A00 là 65.362 (hơn kém nhau 1,6 lần). Ở mức 26 điểm trở lên lượt TS D01 là 19.499, cao gấp 1,4 lần lượt TS A00 (13.922). Như vậy, với những trường xét 4 tổ hợp A00, A01, D07, D01 có mức điểm chuẩn từ 22 - 26 thì số lượng TS trúng tuyển D01 chiếm số lượng áp đảo.
Sau mốc 26 điểm trở lên, đường đồ thị của các tổ hợp mới bắt đầu có xu hướng xích lại gần nhau. Chẳng hạn, mốc 26,5 điểm, nguồn tuyển của D01 còn 9.097 lượt TS, trong khi A00 là 8.024 lượt TS (hơn kém nhau gấp 1,13 lần). Đến mốc 27 điểm thì ưu thế mới bắt đầu nghiêng về TS có điểm tổ hợp A00 cao hơn: 4.134 (A00) và 3.364 (D01).
Theo phân tích của Báo Thanh Niên, ở mức điểm từ 20 - 26, TS tổ hợp D01 điểm cao chủ yếu nhờ phổ điểm môn văn quá cao so với các điểm lý, hóa. Còn phổ điểm môn tiếng Anh so với phổ điểm các môn lý, hóa có sự tương đương.
ẨN CHỨA NGUY CƠ BẤT CÔNG
Theo Bộ GD-ĐT, việc xét tuyển ĐH năm nay (cũng như năm ngoái) được thực hiện toàn bộ trên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT. TS chỉ cần đăng ký vào ngành, chương trình đào tạo của trường, không cần đăng ký lựa chọn phương thức xét tuyển hay tổ hợp xét tuyển. Hệ thống sẽ sử dụng, sắp xếp và lựa chọn dữ liệu tốt nhất của TS đã cung cấp trong cơ sở dữ liệu để xét trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất có thể.
Mục đích của hệ thống là nhằm giúp TS tránh các sai sót về lựa chọn tổ hợp và phương thức xét tuyển. "Điều này nhằm tạo điều kiện tối đa và cũng tối đa hóa các lợi ích và quyền lợi của TS. Thực chất, Bộ GD-ĐT và các cơ sở đào tạo đang nhận phần công việc khó về mình, để các TS được lựa chọn dễ dàng và lựa chọn tốt nhất với thực lực mà các em đang có", bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ GD ĐH, Bộ GD-ĐT, cho biết.
Tuy nhiên với nguyên tắc xét tuyển như trên, kết quả xét tuyển sẽ ẩn chứa nguy cơ bất công do nhiều trường hiện nay sử dụng chung một mức điểm chuẩn dù dùng nhiều tổ hợp khác nhau, trong khi phổ điểm các tổ hợp có sự vênh nhau do chất lượng đề thi các môn quá khác nhau. Với năm nay có thể thấy rõ sự khác biệt về phổ điểm môn văn với hầu hết các môn còn lại, trong khi môn văn là một trong 3 môn cấu thành tổ hợp D01 (văn, toán, tiếng Anh), một tổ hợp được nhiều trường sử dụng xét tuyển chung cùng với các tổ hợp A00 (toán, lý, hóa), A01 (toán, lý, tiếng Anh), D07 (toán, hóa, tiếng Anh).
Từ nhiều năm nay, dù nguồn tuyển TS thi các môn khoa học tự nhiên ngày càng giảm nhưng chỉ tiêu dành cho các tổ hợp có các môn khoa học tự nhiên chiếm áp đảo (rất ít trường dành chỉ tiêu cho khối C). Mặt khác, năm nay cũng như các năm trước, chỉ có một số trường ĐH top trên chia chỉ tiêu riêng cho từng tổ hợp nếu dùng nhiều tổ hợp để xét tuyển (điểm chuẩn các tổ hợp là độc lập với nhau). Còn phần lớn các trường, đặc biệt khối trường kinh doanh, kinh tế, quản lý… đều dùng chung một điểm chuẩn với tất cả tổ hợp, bao gồm tổ hợp D01.
Một đặc điểm đáng lo ngại khác là càng ngày càng có nhiều trường kỹ thuật mở rộng nguồn tuyển sang D01 thay vì chỉ giới hạn ở A00, A01, D07. Lợi ích trước mắt khi mở rộng nguồn tuyển thì điểm chuẩn nâng lên, tạo hình ảnh tích cực trong đánh giá của dư luận xã hội. Nhưng hệ lụy là quá trình đào tạo sẽ kém chất lượng, khi mà trường chọn những TS không có nền tảng kiến thức các môn khoa học tự nhiên, ảnh hưởng tới hiệu quả tiếp thu kiến thức chuyên ngành ở ĐH.
Điểm sàn lĩnh vực sức khỏe sẽ là bao nhiêu ?
Theo Bộ GD-ĐT, dự kiến hôm nay 19.7, Bộ sẽ tổ chức họp các hội đồng để quyết định ngưỡng đảm bảo chất lượng (điểm sàn) các nhóm ngành sức khỏe và sư phạm.
Với riêng nhóm ngành sức khỏe, nguồn tuyển chủ yếu của các trường ĐH dựa vào TS có điểm thi tổ hợp B00. Vì vậy căn cứ quan trọng để hội đồng đề xuất điểm sàn lĩnh vực này là phổ điểm tổ hợp B00.
Theo phân tích của Báo Thanh Niên, về cơ bản phổ điểm tổ hợp B00 năm nay tương tự năm 2023, cao hơn nhiều so với năm 2022. Theo đó, ở mốc từ 19 điểm (mốc điểm sàn các ngành hộ sinh, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng, điều dưỡng, y học dự phòng) trở lên, nguồn tuyển khối B năm nay là 241.907 lượt TS, năm ngoái là 240.949 lượt TS. Số lượng tương đương nhau ở các mốc điểm tương ứng giữa năm nay với năm ngoái kéo lên đến mức 20,5 điểm (182.035 của năm nay và 180.386 năm ngoái).
Từ mốc 21 điểm (mốc điểm sàn y học cổ truyền, dược học của năm ngoái) thì nguồn tuyển năm nay nhỉnh hơn năm ngoái chút đỉnh: 160.293 so với 156.173. Ở mốc 22 điểm, năm nay hơn năm ngoái khoảng gần 10.000 lượt TS.
Lên đến mốc 22,5 điểm (là điểm sàn các ngành y khoa, răng hàm mặt) trở lên, nguồn tuyển năm nay vượt so với năm ngoái hơn 11.000 lượt TS (94.627 với 83.270).
Vì thế, theo dự báo của Báo Thanh Niên, điểm sàn khối ngành sức khỏe năm nay ít nhất sẽ giữ mức như năm ngoái: 19; 21 và 22,5 điểm.