Cụ thể, tại thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ tiến sĩ của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, đối tượng dự tuyển là người có bằng thạc sĩ hoặc người có bằng ĐH hạng giỏi trở lên.
Với người có bằng thạc sĩ, yêu cầu có kinh nghiệm nghiên cứu thể hiện qua luận văn thạc sĩ của chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu, hoặc bài báo, báo cáo khoa học đã công bố, hoặc có thời gian công tác từ 2 năm trở lên là giảng viên của các cơ sở đào tạo, tổ chức khoa học và công nghệ.
Ngoài ra, để trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ, phải có văn bằng, chứng chỉ minh chứng về năng lực ngoại ngữ, cụ thể là bằng tốt nghiệp ĐH trở lên do cơ sở đào tạo nước ngoài, phân hiệu của cơ sở đào tạo nước ngoài tại Việt Nam hoặc cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp cho người học toàn thời gian bằng tiếng Anh; hoặc bằng tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Anh do các cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp hoặc có chứng chỉ tiếng Anh theo quy định.
Thời gian đào tạo đối với người đã tốt nghiệp thạc sĩ tối thiểu là 3 năm và đối với người tốt nghiệp ĐH là 4 năm.
Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, những điều trên được quy định tại thông tư ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ của Bộ GD-ĐT. "Theo quy định thì thời gian tối thiểu để có bằng tiến sĩ là 3-4 năm, nên không có chuyện học vượt để tốt nghiệp sớm hơn", tiến sĩ Trung Nhân chia sẻ.
Trưởng phòng đào tạo của một trường ĐH tại TP.HCM cũng cho biết cử nhân học thẳng lên tiến sĩ phải mất tối thiểu 4 năm. "Dù quy định cho phép nghiên cứu sinh có thể hoàn thành chương trình đào tạo sớm hơn so với kế hoạch là không quá 1 năm (12 tháng), nhưng thực tế hiếm có ai tốt nghiệp sớm 1 năm, 2 năm thì càng không thể", vị trưởng phòng cho hay.
Theo vị này, cũng rất hiếm người tốt nghiệp ĐH xong học thẳng lên tiến sĩ vì làm nghiên cứu sinh rất vất vả, đòi hỏi có năng lực và phải có quá trình. "Với trình độ của một cử nhân thì phải đi từng bước một chứ khó có thể trở thành nghiên cứu sinh trong một thời gian 2-3 năm đã hoàn thành để lấy bằng tiến sĩ, nhất là các ngành như luật", vị trưởng phòng nhận định.