Cô giáo thành phố lên Mù Cang Chải dạy tiếng Anh

07:52 - 28/12/2023

10 thầy cô giáo dưới xuôi được điều động lên H.Mù Cang Chải (Yên Bái) dạy tiếng Anh cho học sinh từ lớp 3. Các thầy cô phải vượt qua vô vàn khó khăn, vượt lên cả chính mình để làm tròn nhiệm vụ của người giáo viên biệt phái.

Những khác biệt không tưởng tượng nổi

Cả H.Mù Cang Chải có 16 trường tiểu học nhưng chỉ 1 trường có giáo viên (GV) tiếng Anh. Để dạy tiếng Anh cho học sinh (HS) lớp 3 tối thiểu 4 tiết/tuần theo quy định của Bộ GD-ĐT, tỉnh Yên Bái đã biệt phái hàng chục thầy cô giáo lên Mù Cang Chải để giúp khắc phục tạm thời tình trạng này.

Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Khao Mang (H.Mù Cang Chải), chúng tôi gặp cô Nguyễn Thị Bích Thu, giáo viên tiếng Anh Trường THCS Nguyễn Du (TP.Yên Bái, tỉnh Yên Bái), được UBND tỉnh biệt phái lên dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học.

Gần 4 tháng "cắm bản", cô Thu chia sẻ đây cũng là lần đầu đến Mù Cang Chải. Hôm đi nhận nhiệm vụ, cô say xe tưởng như ngất đi mới tới được điểm trường. Đến nay, dù cuối tuần nào cũng về thăm nhà, nhưng cô vẫn chưa "cai" được thuốc chống say.

Ngày đầu đến Mù Cang Chải, nhận phòng trọ mà nhà trường thuê cho, cô Thu kể: "Nhà trường đã rất cố gắng để chọn một ngôi nhà kiên cố và sửa sang lại nhưng khi bước vào nhà mà tôi vẫn… choáng vì đó là ngôi nhà cấp 4 lợp tôn xi măng, nền đất, trong không có gì ngoài chiếc giường cá nhân. Những người khác cũng vậy nên đêm đầu tiên 10 GV biệt phái hầu như không ai ngủ được, họ nhắn tin cho nhau cho đỡ sợ, trống trải và nhớ nhà". 

Tuy nhiên, cô Thu cho biết vẫn còn may mắn hơn một số đồng nghiệp khác khi họ ở điểm trường xa hơn, chỗ ở chỉ được che chắn bằng các tấm ván, mùa đông gió vẫn lùa tứ phía, lạnh thấu xương.

Nhưng sau 2 - 3 tuần, các thầy cô biệt phái cũng quen dần. Nhờ sự đáng yêu của HS, sự giúp đỡ hồn hậu, chân thành của đồng nghiệp ở vùng cao, các cô đã thích nghi được với cuộc sống và công việc ở nơi này. Tuy nhiên, nỗi nhớ nhà, nhớ chồng con là chưa thể quen. 

Cô Thu còn có con gái đang học lớp 12, chuẩn bị vào ĐH nên rất cần có mẹ ở bên để động viên, hỗ trợ… nên dù say xe, tuần nào cô cũng bắt xe khách về thăm nhà từ chiều thứ sáu rồi chiều chủ nhật lại khăn gói lên trường.

Cô giáo thành phố lên Mù Cang Chải dạy tiếng Anh

Nhờ sự đáng yêu của HS, sự chân thành của đồng nghiệp vùng cao, các giáo viên biệt phái dần thích nghi với cuộc sống và công việc

Cô Thu tâm sự đã nghe, đọc về đời sống khó khăn của HS vùng cao nhưng lên đến nơi mới thấy những điều mình hình dung chưa thấm gì so với thực tế. "Tôi cảm nhận được, nhưng vẫn đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác, vì sự vất vả, thiếu thốn của các em nằm ngoài sức tưởng tượng", cô Thu nói.

Thay đổi chính mình vì học sinh

Gần 70% học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Khao Mang ở cách xa trường hàng chục km nên các em ở tại trường, chiều thứ 6 được cha mẹ đón và đi bộ về nhà rồi chiều chủ nhật lại đến trường. 

Cô Thu nói, chứng kiến HS từ lớp 1, thể trạng bé nhỏ nhưng các em rất kiên cường, tự lập, GV biệt phái cũng tự nhủ phải cố gắng để thích nghi với cuộc sống ở nơi này.

Do hầu hết các em là người dân tộc thiểu số, khi vào tiểu học, nhiều em nói tiếng phổ thông còn chưa sõi nên tiếp cận tiếng Anh rất khó khăn. Cô Thu lại đang dạy cấp THCS ở thành phố, nơi HS từ lớp 1 đã được học tiếng Anh nên phải rất nỗ lực để thay đổi phương pháp dạy học, để phù hợp với tâm lý lứa tuổi, phù hợp với năng lực tiếp thu của HS.

HS học nhưng không được luyện tập, thực hành nên các cô phải dạy đi dạy lại nhiều lần để các em học đến đâu chắc đến đó, chứ không thể đòi hỏi nâng cao hoặc "chạy" chương trình nhanh như ở thành thị. "GV phải hạ chuẩn yêu cầu xuống, dạy thật chậm, tìm những bài dễ hơn cả trong sách giáo khoa và liên tục động viên để các em không chán nản", cô Thu chia sẻ.

Nếu dạy theo từng lớp, cô Thu sẽ phải dạy tới 40 tiết/tuần nên 10 lớp phải dồn lại thành 6 để mỗi tuần dạy 24 tiết (định mức là 21 tiết/tuần). Do không thể dồn hơn được nữa vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, cô Thu chấp nhận dạy tăng giờ.

"Thời gian biệt phái của GV là 1 năm học, chúng tôi luôn động viên nhau cùng cố gắng vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, góp phần cho giáo dục ở vùng cao bớt khó khăn, giúp HS miền núi bớt thiệt thòi so với các bạn ở thành phố", cô Thu tâm sự.

Ông Nguyễn Anh Thủy, Trưởng Phòng GD-ĐT H.Mù Cang Chải, cho biết: từ năm học 2022 - 2023, tiếng Anh là môn bắt buộc với HS từ lớp 3, nhưng cả huyện chỉ có 1 trường có GV tiếng Anh. Nhiều năm trước huyện đã tuyển dụng nhưng không có ai ứng tuyển. Vì vậy, UBND tỉnh Yên Bái đã biệt phái 9 GV dưới xuôi lên dạy các lớp 3. Năm học này thì biệt phái 10 GV để dạy cho cả lớp 3 và lớp 4.

Do chưa đủ mỗi trường 1 GV nên Phòng GD-ĐT phải bố trí để 10 GV dạy được tất cả các lớp của 16 trường tiểu học bằng cách kết hợp trực tuyến trong một trường hoặc giữa trường này với trường kia. Giải pháp dạy liên trường khó thực hiện vì chỉ dạy 1 trường thì GV giáo viên cũng đã quá tải.

"Sở GD-ĐT Yên Bái đang phối hợp với các sở GD-ĐT Hà Nội và Nam Định hỗ trợ dạy trực tuyến tiếng Anh cho học sinh Yên Bái, chúng tôi đã đăng ký triển khai chương trình này. Về lâu dài, chúng tôi đề nghị tỉnh đào tạo có địa chỉ để có nguồn tuyển GV cho vùng cao. Yên Bái cũng đang hợp tác với ĐH Thái Nguyên đào tạo thêm 50 GV tiếng Anh, hy vọng có thể tháo gỡ được khó khăn cho các huyện vùng cao như Mù Cang Chải", ông Thủy chia sẻ.

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

lịch phát sóng trên truyền hình

Thanh toán hóa đơn SCTV

Cuộc sống hôn nhân - SCTV9

Sui Gia Nan Giải - SCTV9

 

Bà xã cát tường - SCTV9

 

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...