Theo ban tổ chức, trong bối cảnh công nghệ đang phát triển với tốc độ nhanh chóng như hiện nay, việc tích hợp AI vào hạ tầng mạng internet vạn vật (Internet of Things - IoT) mang lại nhiều lợi ích vượt trội cho các tổ chức, doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Sự kết hợp giữa AI và IoT không chỉ giúp tăng cường hiệu quả hoạt động mà còn thúc đẩy quá trình sáng tạo, tìm giải pháp tối ưu trong nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, tài chính, dịch vụ... Từ việc cải thiện chất lượng cuộc sống đến việc tối ưu hóa quy trình sản xuất kinh doanh, IoT đang tạo ra nhiều cơ hội mới cũng như đặt ra những thách thức đáng kể.
Vì vậy, ICIT 2024 góp phần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong nước và quốc tế trao đổi, chia sẻ thông tin, thảo luận, công bố những công trình nghiên cứu khoa học về các vấn đề liên quan đến tích hợp công nghệ AI vào hạ tầng mạng IoT (IoT2/AIoT) và công nghệ bán dẫn (Semiconductor).
Đây cũng là dịp để các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, cơ quan sản xuất trong nước và quốc tế từ các lĩnh vực liên quan đến IoT, vi mạch bán dẫn, AI, blockchain… có cơ hội trao đổi và trình bày các công trình nghiên cứu của mình.
Đồng thời, cung cấp nền tảng cho những cuộc tranh luận khoa học về các vấn đề đương đại trong lĩnh vực nghiên cứu này; hỗ trợ cho những chiến lược đúng đắn được nêu ra để thúc đẩy sự tăng trưởng phát triển bền vững cả trong nước và quốc tế; gia tăng cơ hội làm việc, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học giữa các trường ĐH và trên toàn cầu.
Với hàng trăm bài nghiên cứu được gửi về, ban tổ chức đã đánh giá độc lập qua các vòng phản biện và lựa chọn 65 bài để trình bày tại hội nghị. Các bài nghiên cứu đến từ nhiều nhà khoa học, học giả của các trường ĐH, viện nghiên cứu trong nước và quốc tế như Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Đài Loan, Campuchia… Các tham luận được lựa chọn trình bày tại hội nghị sẽ có cơ hội công bố trên tạp chí Springer thuộc danh mục ISI/Scopus.
ICIT 2024 có 16 phiên thảo luận, có sự tham gia của các diễn giả là chuyên gia đầu ngành trên thế giới và tại Việt Nam về các lĩnh vực liên quan đến IoT, vi mạch bán dẫn, AI, blockchain với những nghiên cứu mới nhất.
Cụ thể là các nghiên cứu của: GS Kim Joongheon (ĐH Hàn Quốc), chủ đề "Học máy lượng tử: Khái niệm, mô hình và ứng dụng"; GS Richard Chbeir (ĐH Pau và Pays de l'Adour), chủ đề "Kỹ thuật dữ liệu trong IoT"; PGS-TS Hoàng Văn Dũng (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM), chủ đề "Thị giác máy tính và ứng dụng: Từ CNN đến MLP Mixer"; PGS-TS Nguyễn Thị Thủy (ĐH RMIT), chủ đề "Internet cho các vấn đề y tế: Từ ứng dụng di động đến chẩn đoán và đào tạo y tế được hỗ trợ bởi AI-Powered"...
TS Trần Ngọc Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH FPT, Giám đốc phân hiệu Trường ĐH FPT tại TP.Đà Nẵng, cho rằng với sự tham gia của hàng trăm báo cáo viên từ trong nước và quốc tế, hội thảo này không chỉ là dịp chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm quý báu mà còn là cơ hội để cùng nhau khám phá những xu hướng mới nhất, thúc đẩy hợp tác và phát triển các ứng dụng công nghệ trong cuộc sống.
"Các chủ đề mà chúng ta sẽ thảo luận trong hội thảo này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc định hình tương lai của thế giới. Tôi tin rằng qua sự hợp tác và trao đổi giữa các nhà khoa học, chúng ta sẽ cùng nhau đưa ra những giải pháp đột phá, tạo nên những bước tiến xa hơn trong lĩnh vực công nghệ", TS Tuấn nhấn mạnh.