MÙA SÔI ĐỘNG CỦA CÁC NHÀ THIẾU NHI
Một tối tháng 6, Nhà thiếu nhi Q.8 và Trung tâm văn hóa Q.8 (TP.HCM) sáng rực đèn. Các lớp võ taekwondo, vovinam đông học viên nhất, có lớp khoảng 40 học viên, từ 6 - 15 tuổi đang học. Bên cạnh đó, các lớp đàn, vẽ, nhảy, cờ vua… cũng có khá đông học sinh theo học.
Anh Quốc Hưng (ngụ Q.8), phụ huynh bé Bảo Hân, cho biết năm nay con gái lên lớp 2, con học taekwondo mỗi tuần 2 buổi tối. "Tới giờ là bé đòi đi học, không muốn ở nhà. Hôm rồi trời mưa to, tới chiều vẫn lác đác mưa, tôi ngại chưa biết nên cho đi học không mà bé nhất định kêu ba phải chở tới", anh Hưng kể. Ở lớp vovinam, chị Thanh Hiền đang đợi con học, cho hay con trai chị 7 tuổi, học từ đầu tháng 6. Cho con đi học võ, mục tiêu lớn nhất của người mẹ là con được rèn luyện thể lực, có khả năng tự vệ, hoặc khi bất ngờ bị té, ngã cũng biết cách để hạn chế chấn thương.
Những ngày này, Nhà thiếu nhi Q.5 (TP.HCM) cũng sôi nổi với hàng chục lớp kỹ năng, năng khiếu hè, từ vẽ, nhảy hiện đại, STEM, luyện chữ đẹp, võ thuật, cầu lông, bóng rổ, cờ vua, cờ tướng, tiếng Hoa, tiếng Anh…
Giá cả phải chăng, nhiều môn học đa dạng, nên các nhà thiếu nhi luôn là ưu tiên của số đông phụ huynh khi tìm các lớp học năng khiếu, kỹ năng hè cho con. Phụ huynh Hoàng Tuyết Nhung (ngụ P.14, Q.8) mới đăng ký cho con học lớp vẽ và nhảy hiện đại vào chiều thứ ba và năm trong tuần tại Nhà thiếu nhi Q.5. Mỗi tháng, học phí mỗi bé là 200.000 đồng/môn. Với các môn năng khiếu, kỹ năng khác, giá cũng dao động từ 200.000 - 350.000 đồng/tháng/môn. "Tôi ưu tiên con học ở nhà thiếu nhi vì học phí tốt, cơ sở vật chất ổn, ở đây cũng có khá đông phụ huynh cho con học, do đó con có môi trường kết bạn, giao lưu với bạn mới", chị Nhung cho hay.
TỪ NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG TỚI CÔNG NGHỆ SỐ
Hè năm 2024 chứng kiến sự bùng nổ của thị trường dạy các môn năng khiếu "bắt trend" như nhảy hiện đại, nhảy K-pop, nhảy TikTok. Với đàn, nếu như piano, guitar đã phổ biến thì bây giờ đàn ukulele cũng được dạy ở nhiều nơi. Đối với môn mỹ thuật, TP.HCM có nhiều lớp từ cơ bản đến nâng cao. Không chỉ dạy vẽ trên giấy một cách truyền thống, nhiều nơi dạy mỹ thuật số cho trẻ (giúp trẻ được học vẽ trên các ứng dụng máy tính, iPad).
Nhiều phụ huynh cho biết việc lựa chọn lớp vẽ phù hợp với năng khiếu, sở thích của con, song cần có sự quan tâm, quan sát của bố mẹ. "Tôi cho con học một lớp vẽ nhưng thấy con chỉ biết "chép tranh", tức là giáo viên đưa ra tranh mẫu thì bé vẽ lại rất đẹp, copy y chang. Điều này hoàn toàn trái ngược những gì tôi nghĩ là học vẽ thì phải sáng tạo", anh Nguyễn Văn Đức (ngụ Q.7, TP.HCM) cho hay. Sau đó, anh Đức quyết định cho con thử mỹ thuật số và nhận thấy con thích thú hơn với việc sử dụng ứng dụng máy tính để sáng tạo tác phẩm của riêng mình.
Trong khi đó, chị Lê Thị Thúy Nga (ngụ Q.8) chọn lớp vẽ truyền thống trên giấy cho con gái 7 tuổi, giá gần 200.000 đồng/buổi. "Con học vẽ một buổi/tuần, lớp mở gần nhà. Mỗi ngày, giáo viên ra một chủ đề, tôi quan sát và thấy mỗi học viên sẽ phải tự sáng tạo để vẽ bức tranh của mình, không rập khuôn theo mẫu của giáo viên", chị Nga cho hay.
CHƠI THỂ THAO TRÁNH XA ĐIỆN THOẠI
Các sân chơi, trung tâm thể thao, hồ bơi ở TP.HCM thu hút nhiều phụ huynh và con cái vào dịp hè. Cha mẹ chọn nhiều môn thể thao khác nhau để con tham gia như cầu lông, patin, xe đạp, võ thuật, bơi lội… với mong muốn con năng động hơn, không chỉ ở nhà "ôm" điện thoại chơi game hoặc xem ti vi.
Tại sân cầu lông Dạ Phi Cơ (Q.Tân Phú, TP.HCM), chị Huỳnh Ngọc Hà cho biết ban đầu chị dẫn con trai 5 tuổi ra công viên chơi cầu lông, chỉ tính chơi cùng mẹ cho vui. Tuy nhiên thấy con đánh sai kỹ thuật, chị Hà đăng ký cho cả con với mẹ cùng học với HLV để biết đánh bài bản hơn, tránh bị chấn thương.
Còn với chị Huyền Trang (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM), niềm yêu thích cầu lông của chị được lan tỏa cho con gái 6 tuổi một cách tình cờ. "Hè về, tôi dẫn con gái đi cùng đến sân tập. Sau một buổi quan sát mẹ tập luyện, con gái nói với mẹ rằng muốn học đánh cầu lông", chị Trang kể.
Trung bình mỗi tháng, CLB bơi sinh tồn của HLV bơi lội Tạ Quan Minh và Đoàn Quốc Hùng (trụ sở chính tại H.Nhà Bè, TP.HCM) dạy bơi cho khoảng 100 học viên, đông nhất trong độ tuổi mầm non, tiểu học. Con số này cao hơn vào dịp nghỉ hè. Càng ngày, nhận thức của phụ huynh về tầm quan trọng của việc biết bơi - kỹ năng sống càng được nâng lên, do đó, số trẻ được cha mẹ cho đi học bơi nhiều hơn và sớm hơn. Phổ biến là khi trẻ từ 3 - 5 tuổi, cha mẹ cho con đi học bơi.
Còn tại CLB patin Goley Tân Bình ở công viên Bàu Cát (Q.Tân Bình, TP.HCM), dịp hè ghi nhận số lượng học viên mới tăng vọt. Mỗi buổi tối, hàng chục học viên từ 3 - 16 tuổi tập luyện những kỹ thuật trượt patin từ cơ bản đến nâng cao. Một số phụ huynh theo con quan sát, động viên con sau những cú ngã đầu tiên trên đôi giày patin. Số khác trang bị giày và đồ bộ để tập luyện cùng con dưới sự hướng dẫn của các HLV.
"Dù bận rộn với công việc nhưng tôi cố gắng sắp xếp thời gian trượt patin cùng hai con (5, 7 tuổi) hai buổi tối/tuần. Con nít thấy người lớn tập cùng mình sẽ tự tin hơn", anh Nguyễn Ngọc Phú (ngụ Q.Tân Bình) nói. Với anh Phú, thể thao không chỉ mang lợi ích về sức khỏe cho tất cả thành viên mà còn giúp cha mẹ gắn kết với con cái hơn.
Không chỉ là những môn thể thao có thể tập luyện tại nhà văn hóa, sân thi đấu, ngày càng nhiều phụ huynh cho con được trải nghiệm thể thao "đường trường" hơn. Tại H.Hóc Môn, TP.HCM quê hương của các nhà vô địch xe đạp đường trường, vào dịp hè, không ít phụ huynh cùng con tập luyện xe đạp trên những cung đường nhiều cây xanh hai bên ở cung đường H.Củ Chi, H.Hóc Môn… vào mỗi sáng sớm. "Vợ chồng tôi cùng con trai 12 tuổi và con gái 19 tuổi đạp xe khoảng 1 giờ vào buổi sáng. Tập luyện bên cạnh con, cùng con đạp xe quanh các con phố mang lại cảm giác thư giãn, cha mẹ và con cái cũng có thêm các khoảng thời gian được trò chuyện, tâm sự nhiều hơn", chị Phạm Thị Bích Trâm (ngụ xã Tân Xuân, H.Hóc Môn) chia sẻ với PV Thanh Niên.
Rèn đạo đức, kỹ năng sống trên sân bóng đá
Không đơn thuần là các buổi học về kỹ thuật đá bóng, những khóa học bóng đá ở CLB bóng đá học đường Black Football Camp (nằm trên đường Hồng Hà, Q.Tân Bình và ở TP.Thủ Đức, TP.HCM) của HLV Tuấn "đen" (Nguyễn Văn Tuấn, cựu danh thủ Cảng Sài Gòn) được phụ huynh tin tưởng. Từ trái bóng tròn, trẻ em được vận động, được phát huy sở trường, các cầu thủ nhí còn được học về đạo đức, kỷ luật, kỹ năng sống.
Một sáng cuối tuần, vừa bước xuống xe do ba mẹ chở đến, các cầu thủ nhí quay lại chào ba mẹ rồi mới cúi đầu lễ phép chào các thầy và đồng đội trên sân. Trên sân bóng không được nói tục, dù là với đối phương thì khi chơi bóng các cầu thủ không được phép có hành vi triệt hạ, cố tình phạm lỗi để cản bóng. Từ các buổi tập luyện tới trận đấu, HLV Tuấn "đen" hướng dẫn học trò nhí những kỷ luật cần tuân thủ, để trên sân bóng cũng như trong cuộc sống, các em trở thành người chín chắn, trưởng thành hơn, kết nối được nhiều người bạn chân thành.
Trong hè này, CLB bóng đá học đường của HLV Tuấn "đen" còn đón nhiều học sinh người nước ngoài sang VN học tập và trải nghiệm. Như mới đây, một học sinh lứa tuổi U.17 người Philippines tham gia học tập, sinh hoạt cùng nhiều cầu thủ học sinh người Việt.