Ngày càng nhiều trường được xếp hạng
Trưa 12.6 (giờ Việt Nam), tạp chí Times Higher Education (THE) ở Anh công bố bảng xếp hạng ĐH có tầm ảnh hưởng nhất thế giới năm 2024. Năm nay, Việt Nam có 13 đại diện vào top, cao hơn năm trước 4 trường. Trong đó, 4 trường mới lần đầu được xếp hạng là Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Văn Lang, Lạc Hồng và Việt Đức. Còn với 9 trường cũ, có 3 trường thăng hạng, 2 trường tụt hạng và 4 trường giữ nguyên thứ hạng.
Cụ thể, trong số 2.152 trường ĐH từ 125 quốc gia, vùng lãnh thổ, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành vào nhóm 301-400 thế giới và dẫn đầu các trường Việt Nam. Xếp sau là các ĐH, trường ĐH cùng đồng hạng 401-600, gồm ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Duy Tân (không thay đổi hạng), FPT, Tôn Đức Thắng, Kinh tế quốc dân; Tôn Đức Thắng (thăng hạng từ nhóm 601-800) và ĐH Kinh tế TP.HCM (tụt hạng từ nhóm 301-400).
ĐH Bách khoa Hà Nội giữ nguyên thứ hạng ở nhóm 601-800, trong khi đó Trường ĐH Văn Lang lần đầu xuất hiện ở vị trí 801-1.000. Trường ĐH Phenikaa từng giữ hạng 801-1.000, song năm 2024 đã xuống nhóm 1.001-1.500, đồng hạng với các trường ĐH gồm Mở TP.HCM, Lạc Hồng và Việt Đức. Nhìn chung, đa số các trường mới đều được xếp hạng ở tốp dưới, chỉ Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có mặt ở nhóm đầu.
Đây là năm thứ 6 THE xếp hạng các trường ĐH có tầm ảnh hưởng nhất thế giới. Đáng chú ý, những năm qua Việt Nam ngày càng có nhiều đại diện xuất hiện trong bảng xếp hạng này, từ duy nhất Trường ĐH Tôn Đức Thắng vào năm 2019 (ở nhóm 101-200), số lượng trường lần lượt tăng thành 2 (năm 2020), 4 (2021), 7 (2022), 9 (2023) và đến nay là 13.
Trước đó, trong bảng xếp hạng ĐH tốt nhất thế giới 2024, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Tôn Đức Thắng cùng nằm trong nhóm 601-800 trong hơn 1.900 ĐH, dẫn đầu các trường ĐH Việt Nam nhưng đã tụt hạng so với vị trí 401-500 của năm 2023. ĐH Quốc gia Hà Nội từ hạng 1.001-1.200 xuống bậc 1.201-1.500. Còn ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Huế cùng xếp thứ 1.501+, giữ nguyên thứ hạng.
Phương pháp xếp hạng ra sao?
Một điểm đáng chú ý khác của bảng xếp hạng có tầm ảnh hưởng là không đánh giá các trường dựa trên các chỉ số về học thuật như nghiên cứu, giảng dạy như các bảng xếp hạng khác của THE mà xoay quanh 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên Hiệp Quốc. Trong đó, nội dung SDG 17 (hợp tác vì các mục tiêu phát triển) chiếm trọng số 22%.
Tiếp theo, việc xếp hạng sẽ tính trọng số của 3 SDG khác mà trường có thế mạnh, mỗi phần chiếm trọng số 26%. 16 SDG còn lại gồm các nội dung như sức khỏe tốt và an lạc; giáo dục có chất lượng; bình đẳng giới; tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững; giảm bất bình đẳng; thành phố, cộng đồng bền vững; bảo vệ khí hậu; tài nguyên và môi trường nước; hòa bình, công bằng và thể chế vững mạnh.
Ngoài tiêu chí chung được đánh giá là hợp tác vì các mục tiêu phát triển, các trường ĐH Việt Nam thường được xếp hạng dựa trên các tiêu chí là sức khỏe tốt và an lạc; giáo dục có chất lượng; bình đẳng giới; tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững; thành phố và cộng đồng bền vững; hòa bình, công bằng và thể chế vững mạnh... Đáng chú ý, Trường ĐH Phenikaa và ĐH Kinh tế quốc dân còn được tính điểm tiêu chí xóa đói.
Năm nay, ĐH Western Sydney (Úc) tiếp tục giữ vị trí thứ nhất năm thứ 3 liên tiếp, trong khi đó ĐH Manchester (Anh) và ĐH Tasmania (Úc) cùng xếp thứ 2. ĐH Aalborg (Đan Mạch) đứng thứ 4 còn ĐH RMIT (Úc) xếp hạng 5. Institut Agro (Pháp) là tân binh hàng đầu năm 2024 với hạng 21, còn Ấn Độ là quốc gia có đông đại diện nhất trong bảng xếp hạng có tầm ảnh hưởng với 96 đơn vị.
THE là một trong 3 tổ chức xếp hạng ĐH có uy tín, nhiều năm kinh nghiệm và sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới, bên cạnh bảng xếp hạng của QS (Anh) và Shanghai Ranking Consultancy (Trung Quốc). Tổ chức này bắt đầu xếp hạng ĐH từ năm 2004 cùng QS, một năm sau khi thế giới lần đầu có bảng xếp hạng ĐH toàn cầu do ĐH Giao thông Thượng Hải (sau này là Shanghai Ranking Consultancy) công bố.