Mới đây, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM ban hành hàng loạt quyết định về việc hỗ trợ sinh hoạt phí 7 tháng năm 2023 theo Nghị định 116 cho sinh viên (SV) khối ngành sư phạm. Trong đó, riêng khóa 48 đào tạo theo phương thức nhu cầu xã hội, trường có hơn 1.200 SV được nhận tiền với tổng số tiền gần 30,8 tỉ đồng. Khóa 47 có 1.249 SV được chi trả trong thời gian 6 tháng, mỗi người được nhận trên 21,7 triệu đồng, tổng số tiền sinh hoạt phí trên 27 tỉ đồng. Với phương thức đào tạo theo đặt hàng địa phương của tỉnh Long An và Ninh Thuận, trong đợt này trường cũng ban hành quyết định chi trả tiền hỗ trợ cho SV 6 tháng đầu năm nay.
Tuy nhiên, theo đại diện của trường, hiện SV các ngành sư phạm mới chỉ nhận hỗ trợ sinh hoạt phí đến hết tháng 2.2023. Từ tháng 3 đến nay, SV chưa nhận được hỗ trợ theo quy định. Đại diện này nói thêm: "Nhà trường đã có dự toán gửi về Bộ GD-ĐT, ban hành quyết định về việc hỗ trợ nhưng vẫn đang chờ kinh phí chuyển về". Do đó, theo đại diện trường, các quyết định có sẵn nhưng vẫn đang chờ kinh phí ngân sách chuyển về mới thực hiện được việc chi trả cho SV với số tiền lên tới hàng tỉ đồng.
Trong khi đó, thạc sĩ Phạm Hồng Hải, Phó trưởng phòng Chính trị và Công tác SV Trường ĐH Đà Lạt, cho biết hiện nhà trường vừa nhận được kinh phí hỗ trợ sinh hoạt phí cho SV sư phạm học kỳ 1 năm 2023 - 2024 (tháng 2 - 6). Tuy nhiên, kinh phí hỗ trợ của 3 tháng năm ngoái (tháng 10 - 12.2022) đến thời điểm này vẫn… treo. Trường hiện đã ban hành quyết định chi trả, cung cấp số tài khoản của SV nhưng vẫn chờ có kinh phí để chuyển tiền cho người học.
Trước đó, đầu tháng 11, SV Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM cũng phản ánh tình trạng bị nợ sinh hoạt phí nhiều tháng liền. Theo đó, người học mới chỉ nhận được sinh hoạt phí của 2 tháng đầu năm. Một số trường khác cũng đang tình trạng tương tự.
Cần xác định đúng chỉ tiêu đào tạo sư phạm
Theo đại diện một trường ĐH đào tạo sư phạm, nghị định là một chính sách tốt trong đào tạo giáo viên. Dự thảo sửa đổi, bổ sung nghị định cũng có những điều chỉnh phù hợp hơn với thực tế. Nhưng vướng mắc lớn nhất trong quá trình thực hiện nghị định là việc chậm chi hỗ trợ sinh hoạt phí cho người học, hiện chưa có giải pháp khắc phục. Theo người này, vấn đề mấu chốt là việc xác định đúng chỉ tiêu đào tạo sư phạm sát với nhu cầu sử dụng thực tế. Trên cơ sở đó, quy định rõ trách nhiệm ngân sách nhà nước (trung ương, địa phương) phải đảm bảo kinh phí chi trả chính sách hỗ trợ cho người học. Đồng thời, có quy định chặt chẽ hơn việc cho giai đoạn sau khi SV tốt nghiệp, đặc biệt quản lý việc bồi hoàn kinh phí. Từ đó, tránh tình trạng quá tải trong việc đầu tư cho đào tạo nhưng không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Hà Ánh
ĐIỀU CHỈNH NGHỊ ĐỊNH CHO PHÙ HỢP THỰC TẾ
Nghị định 116 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, sinh hoạt phí đối với SV sư phạm, có hiệu lực từ khóa tuyển sinh năm 2021. Theo đó, SV học ngành sư phạm nếu cam kết làm trong ngành giáo dục sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ học phí, đồng thời được hỗ trợ tiền sinh hoạt phí là 3,63 triệu đồng/tháng từ ngân sách nhà nước. Thời gian hỗ trợ được tính theo số tháng thực tế học tập tại trường nhưng không quá 10 tháng/năm học.
Sau 2 năm thực hiện chính sách nói trên, tình trạng SV sư phạm bị nợ sinh hoạt phí xảy ra đồng loạt ở nhiều trường, nhiều địa phương. Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Nghị định 116 vào tháng 2 năm nay, số liệu tổng hợp từ các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ cho thấy nhu cầu kinh phí đến hết năm 2022 là 1.604.628 triệu đồng (hơn 1.604 tỉ đồng). Tổng kinh phí từ ngân sách nhà nước đã giao cho các trường trực thuộc Bộ là 1.166.205 triệu đồng (hơn 1.166 tỉ đồng) - mới đáp ứng được 73% nhu cầu. Kinh phí cấp bù học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí cho SV sư phạm theo Nghị định 116 còn thiếu là 438.423 triệu đồng (hơn 438 tỉ đồng). Bộ GD-ĐT đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính thẩm định, báo cáo Thủ tướng cấp bổ sung cho các đơn vị, đặc biệt là sinh hoạt phí chi trả cho SV.
Từ những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện, giữa tháng 8, Bộ GD-ĐT đã đưa ra dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP. Theo đó, Bộ GD-ĐT đã bổ sung điểm mới vào nội dung quy định mức hỗ trợ theo kết quả học tập để tạo động lực cho SV sư phạm và nâng cao chất lượng. Từ năm thứ hai và các năm học tiếp theo, nếu SV có điểm trung bình chung học tập đạt loại yếu hoặc điểm rèn luyện đạt loại yếu thì sẽ không được xét hỗ trợ để chi trả chi phí sinh hoạt phí. Cơ sở đào tạo giáo viên thực hiện việc xét hỗ trợ sinh hoạt phí cho SV sư phạm theo năm học.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến cơ chế thực hiện chính sách hỗ trợ cho SV sư phạm, việc xây dựng dự toán và bố trí kinh phí, việc bồi hoàn kinh phí hỗ trợ và trách nhiệm của các đơn vị liên quan.
Công tác tư vấn tuyển sinh sẽ gặp khó!
Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị định 116, tình trạng SV sư phạm bị nợ sinh hoạt phí đang xảy ra ở nhiều trường, nhiều địa phương.
Cụ thể: tại Trường CĐ Sư phạm Trung ương Nha Trang, SV khóa tuyển sinh năm 2021 mới được nhận sinh hoạt phí đến hết tháng 11.2022, còn SV khóa 2022 cũng mới nhận được tiền hỗ trợ hết tháng 2.2023.
Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM hiện vẫn đang "nợ" tiền sinh hoạt phí theo quy định tại Nghị định 116 của hàng ngàn SV.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Vinh, ĐH Sài Gòn, ĐH Cần Thơ, ĐH Đồng Tháp, ĐH Khánh Hòa… cũng có tình trạng nợ tiền hỗ trợ sinh hoạt phí kéo dài.
Tại Trường ĐH Tây Nguyên, SV sư phạm khóa tuyển sinh năm 2022 cũng chỉ mới nhận sinh hoạt phí đến tháng 12.2022. Năm học 2022 - 2023 đã kết thúc, năm học 2023 - 2024 đã đi được hơn nửa học kỳ 1 nhưng SV vẫn chưa nhận đủ hỗ trợ sinh hoạt phí của năm học trước.
Hy hữu nhất phải kể đến 2 trường ĐH ở tỉnh Thanh Hóa là Trường ĐH Hồng Đức và Trường ĐH Văn hóa - Thể thao - Du lịch Thanh Hóa. Tỉnh này đã phải gửi công văn đề nghị Bộ Tài chính và Bộ GD-ĐT báo cáo Thủ tướng xem xét hỗ trợ kinh phí hơn 87,2 tỉ đồng cho SV khóa 2021 và 2022. Lý do là số lượng SV hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh rất lớn nên dù đã sắp xếp các nguồn thu hiện có, ngân sách của tỉnh hiện không cân đối được nguồn kinh phí đảm bảo thực hiện chính sách Nghị định 116.
Sau hơn 2 năm thực hiện chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí cho SV sư phạm theo Nghị định 116, tình trạng SV sư phạm bị nợ sinh hoạt phí cho thấy việc thực hiện rõ ràng đang gặp nhiều vướng mắc. Hậu quả là những SV có hoàn cảnh kinh tế khó khăn lựa chọn theo học ngành sư phạm rơi vào tình trạng chật vật dẫn đến bức xúc. Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài mà không sớm có biện pháp giải quyết sẽ khiến cho công tác tư vấn tuyển sinh gặp khó, còn SV sư phạm lại có cảm giác như lời hứa hẹn hấp dẫn 3,63 triệu đồng/tháng mình đã từng nghe chỉ là "lời hứa gió bay"!
Đại Lâm