Trần Phước Lâm Duy vừa tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh của Trường ĐH VinUni. 4 năm trước, anh trở thành sinh viên ngôi trường ĐH này với học bổng toàn phần trị giá hơn 3,2 tỉ đồng từ trường. "Tôi quê ở Lâm Đồng, bay ra Hà Nội để học VinUni. Mọi người nói vui tôi là sinh viên đi học bằng máy bay. Còn tôi đã có những cơ hội được trải nghiệm 4 năm độc nhất vô nhị", Lâm Duy cho biết.
"Tất cả các công việc thực tập của tôi đều làm việc tại TP.HCM nên mùa hè nào tôi cũng có 3 tháng tại phương nam. Mỗi năm tôi sẽ bay tầm 5 chuyến khứ hồi Đà Lạt - Hà Nội hoặc TP.HCM - Hà Nội để đi học và đi làm. Nếu như có khái niệm công dân toàn cầu - global citizen, thì tôi khá tự hào mình là một công dân có trải nghiệm đa miền tại Việt Nam khi sinh ra ở miền Trung - Tây nguyên, làm việc tại miền Nam còn đi học ở miền Bắc", chàng trai 22 tuổi chia sẻ.
Tại VinUni, các sinh viên như Lâm Duy có chương trình work-study - làm việc tại các phòng ban trong trường để vừa học vừa kiếm thêm tiền cho chi phí ăn ở, số tiền này có thể lên tới 5 triệu đồng/tháng.
"Sinh viên có thể thực tập tại phòng marketing - tuyển sinh, phòng IT, trợ lý nghiên cứu, thư viện, tài chính để vừa tích lũy kinh nghiệm vừa có thêm thu nhập. Năm nhất, tôi có cơ hội làm việc tại phòng marketing với vai trò là người chụp ảnh cho các sự kiện của trường. Nhờ đó tôi có cơ hội gặp gỡ những đoàn lãnh đạo cấp cao đến thăm trường như các doanh nghiệp, các trường ĐH đối tác, các bộ, ban ngành", chàng trai cho hay.
Lâm Duy học ngành quản trị kinh doanh, chuyên ngành phân tích kinh doanh. Anh cũng học những lớp lập trình cơ bản, phân tích dữ liệu để lập trình. Anh ấn tượng với môn Agile Innovation - Sáng tạo thích ứng nhanh, được dạy bởi giáo sư Dương Nguyên Vũ. Các sinh viên sẽ lập nhóm 5 người từ đa ngành để phát triển một ý tưởng kinh doanh liên quan tới môi trường. Các sinh viên được trải qua hackathon (thi lập trình) trong 24 tiếng không ngủ tại sân vận động của trường, nơi có tất cả sinh viên tham gia làm việc liên tục để phát triển ý tưởng công nghệ của mình.
Hay với môn học như Tư tưởng Hồ Chí Minh, người dạy là tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, giảng viên thỉnh giảng (cử nhân và tiến sĩ lý thuyết toán tại ĐH Quốc gia Moscow, cựu Tổng giám đốc FPT). Tiến sĩ Nam sẽ chia lớp làm 7 nhóm với 5 người/nhóm. Mỗi tuần các sinh viên sẽ bốc thăm một chủ đề lịch sử. Hai nhóm có cùng một chủ đề, một nhóm sẽ thuyết trình, một nhóm sẽ phản biện.
Thực tập tại nhiều công ty, tập đoàn lớn
Kết thúc năm thứ 2 ĐH, Lâm Duy thực tập tại Shopee Việt Nam theo chương trình Shopee Apprentice Program với vai trò phát triển kinh doanh - Business Development sau 5 vòng tuyển chọn gắt gao với 3.000 người nộp đơn và chọn 18 người. Khi được giao dự án Shopee Home Club bán đồ nội thất và trang trí nhà ở, Lâm Duy được làm việc với người bán hàng trên sàn, lên kế hoạch marketing, xây dựng chiến dịch giảm giá cho những ngày khuyến mãi. Anh cũng có cơ hội làm quen với 17 thực tập sinh từ các trường ĐH khác và nhận đào tạo, hướng dẫn từ những anh chị nhiều kinh nghiệm.
Khi là sinh viên năm 3, chàng trai được đi học tập trao đổi trao đổi 4 tháng tại Sungkyunkwan University ở Seoul, Hàn Quốc nhờ chương trình trao đổi của VinUni. Tại đây anh được gặp gỡ các sinh viên trao đổi khác từ Mỹ, Phần Lan, Đức, khám phá nhiều điều mới mẻ về Seoul.
Hè năm thứ 3, Lâm Duy thực tập tại tập đoàn Hồng Kông đa ngành Jardine Matheson - công ty mẹ của Pizza Hut, Starbucks, Guardian, thang máy Schindler với vai trò digital marketing tại Pizza Hut Vietnam thông qua chương trình Jardine Internship Programme. Chương trình nhận 28 sinh viên, Lâm Duy là 1 trong 3 sinh viên Việt Nam được nhận từ 1.000 sinh viên nộp đơn. Nhờ đó, chàng trai Việt Nam có 4 ngày đào tạo, kết nối tại Hồng Kông với các thực tập sinh từ các nước khác và gặp gỡ lãnh đạo cấp cao của tập đoàn.
"Chúng tôi có cơ hội giải các bài toán kinh doanh thực tế của tập đoàn và thuyết trình cho lãnh đạo về giải pháp mình đề xuất. Tại Pizzahut Việt Nam, tôi được giao hỗ trợ dự án bán pizza trên các sàn thương mại điện tử như Grabfood, Shopee Food thông qua các chương trình khuyến mãi và giảm giá", nam sinh viên từng nhận học bổng toàn phần trị giá hơn 3,2 tỉ đồng vào VinUni, cho biết.
4 năm trước, Lâm Duy cũng trúng tuyển các trường ĐH khác ở nước ngoài như Aalto University (Phần Lan), KU Leuven (Bỉ), City University of Hong Kong, Hong Kong Polytecnic University, Hong Kong Baptist University. Tuy nhiên, anh quyết định học ở Việt Nam.
"Quyết định này cho tôi cơ hội hiểu thị trường lao động ở Việt Nam và làm quen với các anh chị và công ty tại Việt Nam để có thể xây dựng Trà Đá Mentor và thực tập tại tập đoàn lớn. VinUni cho sinh viên cơ hội học theo phương thức mới, đi trao đổi ở nước ngoài và học với giảng viên nước ngoài. Những năm tháng ở đây cũng cho tôi được cơ hội gặp gỡ những người bạn tuyệt vời như Lâm Huy, Noel Dương, Thùy An đã cùng tôi xây dựng nên Trà Đá Mentor dành cho giới trẻ Việt Nam", nam sinh "đi học bằng máy bay" bộc bạch.
Trà Đá Mentor hỗ trợ học sinh, sinh viên
Từ năm nhất ĐH, Lâm Duy thành lập nên Trà Đá Mentor cùng các bạn ở chung phòng ký túc xá. Đây là một doanh nghiệp xã hội nhằm kết nối 1-1 học sinh THPT và sinh viên với mentor để định hướng chọn ngành nghề, lên kế hoạch công việc sự nghiệp, học các kỹ năng mềm và giải quyết vấn đề cảm xúc. Qua 3 năm, Lâm Duy cùng đội ngũ đã cùng nhau xây dựng nên Trà Đá Mentor với 20 thành viên, giúp đỡ hơn 150 bạn mentee với đội ngũ 40 mentor. Mentor là người đi làm từ các tập đoàn lớn như Shopee, Zalopay, Lazada, EY, VNG hay đang học tại trường ĐH danh tiếng như UCL, Yonsei, VinUni, Fulbright, University of Melbourne, University of Amsterdam…