Trong đó, Trường học Việt Nam về neutrinos lần thứ 8 (VSON8) diễn ra từ ngày 15 - 26.7, có sự tham dự của 32 nhà khoa học, nhà nghiên cứu và học viên đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Ý, Anh, Việt Nam.
Học viên VSON8 sẽ được cung cấp các kiến thức về vật lý hạt và vật lý neutrino; các nguyên lý cơ bản và kỹ thuật hiện đại để phát hiện ra chúng; các dự án neutrino đang và sẽ xây dựng cũng như các phát kiến khoa học có thể đạt được với các thí nghiệm này. Ngoài ra, học viên còn được học các kỹ năng cụ thể như: chạy mô phỏng các tương tác neutrino; phân loại tương tác thông qua hình ảnh thu được từ máy dò Super-Kamiokande (một thí nghiệm đã đóng góp trực tiếp cho giải thưởng Nobel vật lý năm 2015); trực tiếp vận hành, quan sát và đo đạc với một hệ đo các tia vũ trụ đơn giản được thiết kế bởi nhóm nghiên cứu vật lý neutrino tại ICISE.
Theo GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, mục tiêu chính của VSON là cung cấp cho học viên một nền tảng vững chắc về neutrino để phát triển nguồn nhân lực các nhà nghiên cứu của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Trường học vật lý Việt Nam lần thứ 30 (VSOP 30) diễn ra từ ngày 15- 26.7, thu hút 34 nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia.
Trường học này thành lập từ 1994. Đây là nơi tạo điều kiện cho các sinh viên Việt Nam học tập, trải nghiệm nghiên cứu cùng các sinh viên quốc tế và các nhà khoa học hàng đầu; có cơ hội tìm kiếm học bổng nghiên cứu tiến sĩ, sau tiến sĩ ở các trường đại học, viện nghiên cứu tiên tiến trên thế giới, góp phần tăng cường lực lượng nghiên cứu vật lý cơ bản của Việt Nam.
VSOP luôn thúc đẩy sự trao đổi hai chiều giữa giảng viên và học viên, giúp học viên bộc lộ năng lực bản thân, khơi dậy đam mê khoa học cho thế hệ trẻ, nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên môn, tạo môi trường giao lưu và hợp tác, phát triển kỹ năng mềm, định hướng nghiên cứu và phát triển con đường nghiên cứu chuyên sâu trong tương lai cho học viên…