Ông Châu Minh Khải Hoàn, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em và bình đẳng giới (Sở LĐ-TB-XH tỉnh Hậu Giang), cho biết tinh thần là kiên quyết xử lý khi có hành vi bạo hành trẻ em, vi phạm pháp luật. Sở sẽ hướng dẫn và giám sát địa phương thực hiện các bước bảo vệ trẻ em theo quy định pháp luật.
Việc khẩn trương trước mắt là đánh giá tình trạng sức khỏe của bé T., xem xét cần thiết có phải tách bé và mẹ trong thời gian này hay không. Bên cạnh đó, các đoàn thể phối hợp chăm sóc, đảm bảo sức khỏe, tinh thần cho bé đến khi cơ quan chức năng có kết luận cuối cùng.
Qua buổi làm việc, UBND xã Vị Tân cho biết, bà K. không có nghề nghiệp ổn định. Do hoàn cảnh khó khăn, khoảng 6 tháng trước, bà chuyển từ H.Giồng Riềng (Kiên Giang) về TP.Vị Thanh (Hậu Giang) sinh sống. Hiện, bà K. ở nhà trọ với người chị ruột bị khuyết tật và 2 con nhỏ là bé N. (học lớp 2 ở H.Giồng Riềng) và bé T.
Mẹ đánh con vì áp lực mưu sinh?
Theo bà K., trước đây bé T. sống tại nhà ông bà ngoại. Khi ông bà mất, đến năm 3 tuổi thì T. về sống với bà. Trước đó, bà có làm đám cưới với cha T. nhưng không đăng ký kết hôn. Lúc bà mang thai T. thì cha bé bỏ đi, hiện không thể liên lạc. Từ đó, bà là lao động chính trong gia đình.
Về nguyên nhân đánh con gái, bà K. trình bày do gần đây không có việc làm, áp lực kinh tế, cuộc sống mưu sinh đè nặng. Trong khi đó, T. hay bỏ ăn, không chơi đùa, chỉ ngồi một góc trong phòng trọ. Bé thường thức đến khuya mới ngủ khiến bà K. bực tức nên nhiều lần đánh con.
Như Thanh Niên đã thông tin, tối 13.10, từ tin báo của người dân, Công an xã Vị Tân tổ chức xác minh việc bà K. đánh con ruột là T.. Qua làm việc ban đầu, bà K. khai khoảng 5 ngày qua đã nhiều lần dùng tay, cần câu tre, guốc mũ đánh vào nhiều bộ phận cơ thể T. Thời điểm công an ghi nhận sự việc, tình trạng sức khỏe T. yếu, tự ngồi dậy hoặc tự đứng lên khó khăn. Các vết thương tích cũ, mới còn hằn trên người, tinh thần bé không tốt và sợ mẹ.