Thiếu quan tâm đến sức khỏe tinh thần của phụ huynh
Tọa đàm “Học làm cha mẹ chủ động” diễn ra ở TP.HCM hôm 12.8, thu hút nhiều chuyên gia và các gia đình có con nhỏ đến tham dự. Tại đây, thạc sĩ Nguyễn Minh Thành, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại ĐH Công giáo Louvain (Bỉ), cho biết phụ huynh Việt đang gặp khó ở 3 nhóm vấn đề chính, lần lượt liên quan đến trẻ em, những mối quan hệ trong gia đình và đặc biệt là bản thân người làm cha mẹ.
“Các giáo sư đầu ngành đang hướng dẫn tôi từng nói những chương trình về nuôi dạy con cái, kỹ năng làm cha mẹ được cho là hàng đầu thế giới hiện nay đều tập trung quá nhiều vào đứa trẻ. Họ hướng dẫn cha mẹ cách kỷ luật tích cực, quản lý hành vi con trẻ, nhất là với những em có vấn đề về hành vi. Tuy nhiên, họ lại bỏ qua vấn đề của cha mẹ, thiếu quan tâm đến sức khỏe tinh thần của phụ huynh”, ông Thành phân tích.
Cũng theo chuyên gia tâm lý, có những yếu tố gia tăng thêm căng thẳng cho cha mẹ, thậm chí khiến cha mẹ cảm thấy không còn hạnh phúc trong quá trình nuôi dạy con. “Hiện nay, giới chuyên môn đang nghiên cứu một khái niệm mới là ‘hối hận sau khi sinh con’, chỉ những bậc cha mẹ sau khi sinh và nuôi dạy con thì cảm thấy hối hận, ước gì không có con để quay lại cuộc sống độc thân”, thạc sĩ Thành cho hay.
Lý giải thêm câu chuyện hối hận sau khi sinh con dưới góc nhìn xã hội, thạc sĩ Phạm Nguyễn Ngọc Nguyên, nhà đồng sáng lập Care Cube, nhìn nhận văn hóa Á Đông khiến cha mẹ tương đối áp lực và cô đơn. “Cũng có những trường hợp phụ huynh tìm đến tôi và thú nhận ước gì họ không sinh con, lý do là họ cảm thấy luôn có lỗi vì con mình không được hạnh phúc như những đứa trẻ bình thường khác”, cô Nguyên nhớ lại.
Cha mẹ cũng cần được “sơ cứu” tâm lý
Ở góc nhìn chuyên môn, thạc sĩ Thạc sĩ Nguyễn Hồng Ân, Giám đốc chương trình tâm lý học Trường ĐH Hoa Sen, nhận định trở thành cha mẹ là hành trình dài nhất nhưng lại thường có thời gian chuẩn bị ngắn nhất. Chưa kể, nếu có chuẩn bị, cha mẹ chỉ có thể cân nhắc nhiều lắm là 5 năm đầu đời của trẻ, trong khi trẻ em ở mỗi giai đoạn lại có hành vi khác nhau. “Quá trình chuẩn bị chưa bao giờ là đủ, nhưng cha mẹ sẽ là người hiểu con nhất nếu dành đủ thời gian và sự yêu thương”, thầy Ân chia sẻ.
Thầy Ân cũng khuyên những bậc phụ huynh thay vì “ôm” hết mọi thứ về mình thì có thể tìm đến 4 nguồn hỗ trợ khác khi gặp khó trong quá trình nuôi dạy con, đó có thể là ông bà, bạn bè, internet hoặc nhà chuyên môn. “Khi làm việc với chuyên gia, cha mẹ cần lưu ý sự thay đổi sẽ đến sau một quá trình dài nhất định chứ không chỉ trong một sớm một chiều” thạc sĩ Ân nói thêm.
Thạc sĩ Ngọc Nguyên thì nêu quan điểm trước khi có thể hỗ trợ con, cha mẹ phải được “sơ cứu” tâm lý trước. Theo đó, người làm cha mẹ cần nhận ra được sự căng thẳng, âu lo của mình đến từ đâu, và lý do gì khiến “lăng kính” của cha mẹ ghi nhận vấn đề tiêu cực hơn bản chất của nó. “Sự đối thoại với con trẻ cũng quan trọng để giúp cha mẹ giải quyết khó khăn”, cô Nguyên lưu ý.
Cũng theo thạc sĩ Nguyên, việc làm cha mẹ là có “thời hạn” cả đời và cha mẹ cần tin tưởng con, cũng như trao đổi với con về niềm tin ấy. “Một nguyên tắc phụ huynh có thể tham khảo là 3R, tức respect (tôn trọng con), related (chia sẻ vấn đề liên quan) và realistic (đưa ra giới hạn thực tế)”, cô Nguyên chia sẻ, đồng thời khuyên người cha cũng nên tham gia tích cực trong quá trình giáo dục con.