Theo Sở Y tế TP.HCM, chỉ tiêu khám sức khỏe người cao tuổi là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ về chăm sóc sức khỏe người dân theo địa bàn quận, huyện, TP.Thủ Đức trong năm 2024.
Tuy nhiên, qua kết quả giám sát, Sở Y tế TP.HCM thấy một số địa phương chưa thực hiện khám đầy đủ các nội dung theo hướng dẫn chuyên môn của Sở. Một số trung tâm y tế không đảm bảo nguồn lực nhưng chưa phối hợp với bệnh viện quận, huyện, bệnh viện đa khoa khu vực để khám cho người cao tuổi trên địa bàn.
Vì vậy, Sở Y tế TP.HCM đề nghị UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức chỉ đạo Trung tâm y tế tổ chức phổ biến nội dung và ý nghĩa của hoạt động khám sức khỏe người cao tuổi đến các ban ngành đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn để hiểu rõ và đẩy mạnh tuyên truyền vận động tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Giao chỉ tiêu khám sức khỏe người cao tuổi theo từng tháng đến từng phường, xã, thị trấn để thể hiện vai trò trách nhiệm của UBND phường, xã, thị trấn. Theo đó, UBND phường, xã, thị trấn gửi giấy mời đến từng người cao tuổi trên địa bàn, giấy mời cần ghi đầy đủ họ tên người cao tuổi, ngày tháng năm sinh, thời gian, địa điểm khám sức khỏe… Định kỳ hằng tháng đối chiếu danh sách (đã khám/chưa khám) để thực hiện vận động đúng đối tượng. Căn cứ số người cao tuổi chưa được khám sức khỏe trên địa bàn để huy động nguồn lực, thành lập thêm các tổ khám sức khỏe để đảm bảo kịp tiến độ trong 4 tháng còn lại.
Trong trường hợp trung tâm y tế không đủ nguồn lực thì UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức đề nghị bệnh viện quận, huyện, bệnh viện đa khoa khu vực phối hợp trung tâm y tế triển khai việc khám sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn, đảm bảo tiến độ của kế hoạch.
Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện khám sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn để đảm bảo việc khám sức khỏe đạt chất lượng.
Trước đó, ngày 22.6.2023, UBND TP.HCM ban hành kế hoạch khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi trên địa bàn giai đoạn năm 2024 – 2025 và những năm tiếp theo. Sở Y tế ban hành triển khai với mục tiêu khám sức khỏe cho 80% người cao tuổi đang sinh sống trên địa bàn thành phố trong năm 2024.
TP.HCM hiện quản lý hơn 1 triệu (1.055.543) người cao tuổi (từ 60 tuổi). Trước tình hình già hóa dân số, UBND TP.HCM cũng đã ban hành kế hoạch chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (phấn đấu đạt vào năm 2030) gồm các mục tiêu:
Người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm.
Người cao tuổi được phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm (ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, sa sút trí tuệ...).
Người cao tuổi có khả năng tự chăm sóc được cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe.
100% người cao tuổi không có khả năng tự chăm sóc, được chăm sóc sức khỏe bởi gia đình và cộng đồng vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030.
Đến năm 2025 tuổi thọ bình quân đạt 76,8 tuổi và 77 tuổi vào năm 2030. Trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 67 năm (vào năm 2025) và 68 tuổi (vào năm 2030).
Thí điểm mô hình trung tâm dưỡng lão theo hình thức xã hội hóa.
Bệnh viện (trừ bệnh viện chuyên khoa nhi) có khoa lão và bệnh viện tuyến quận, huyện dành một số giường để điều trị người bệnh là người cao tuổi đạt 100% năm 2025 và duy trì đến năm 2030…