Tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Khanh, Phó giám đốc Trung tâm báo chí TP.HCM, cho biết thách thức đầu tiên mà các cơ quan báo chí gặp phải là thiếu tự chủ về công nghệ, buộc phải lệ thuộc vào công nghệ của đối tác.
Theo ông Khanh, phần lớn trong nhóm này đang sử dụng nền tảng kỹ thuật gồm máy chủ, CMS của các doanh nghiệp cung cấp; hệ thống an toàn thông tin đi theo đơn vị cung cấp CMS; hệ thống lưu trữ đám mây. Số cơ quan báo chí tự phát triển CMS ít vì chi phí vận hành, quản lý tốn kém.
“Các tòa soạn ở TP.HCM kiến nghị cần nghiên cứu xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật truyền dẫn chung cho các cơ quan báo chí, vận hành thông suốt, đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ, bảo mật và phòng chống tấn công mạng”, ông Khanh nói.
Còn ông Nguyễn Minh Hải, Trưởng phòng Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM), cho hay thời gian qua, báo chí TP.HCM nói riêng và báo chí cả nước từng bước chuyển đổi số, tạo nên nét sáng tạo, dần thích nghi với bối cảnh mới. Tuy nhiên, kết quả vẫn còn hạn chế do thiếu sự định hướng, dẫn dắt và hỗ trợ mang tính quốc gia, để có thể thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
“Trong quá trình chuyển đổi số, các cơ quan báo chí gặp không ít khó khăn về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, vốn, nguồn nhân lực, khai thác - phân tích dữ liệu... Sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các cơ quan lãnh đạo, quản lý cấp Trung ương lẫn TP.HCM sẽ giúp các báo đổi mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng, phòng tránh bị tấn công mạng”, ông Hải nhìn nhận.
Từ đó, ông Hải đề xuất “giải pháp dùng chung” cho các cơ quan báo chí TP.HCM như: cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở dữ liệu, nguồn lực con người, nguồn vốn... thay vì thực hiện rời rạc, manh mún, thiếu kinh phí như hiện tại.
“TP.HCM cần tạo điều kiện để các cơ quan báo chí đưa cơ sở dữ liệu về đặt tại máy chủ của Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), với mức phí dịch vụ hợp lý, thay vì từng đơn vị chọn đối tác riêng. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan báo chí trong việc xử lý nội dung và bảo mật, chấm dứt lệ thuộc vào các công ty dịch vụ công nghệ”, ông Hải đề xuất.
Đau đầu vì tác phẩm báo chí bị “xào nấu”
Hiện TP.HCM có 19 cơ quan báo chí, gồm 7 báo in, 1 đài phát thanh, 1 đài truyền hình và 10 tạp chí. Trừ 3 tạp chí khoa học, còn lại 16 cơ quan báo chí từng bước thực hiện chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Văn Khanh lưu ý, vấn đề ăn cắp bản quyền nội dung là việc mà các cơ quan báo chí đau đầu tìm cách ngăn chặn.
Theo ông Khanh, nhiều tác phẩm báo chí được biên soạn công phu, tòa soạn phải đầu tư lớn nhân lực, tài lực, thời gian, thậm chí phải đánh đổi sức khỏe và sinh mạng của người làm báo.
Tuy nhiên, chỉ vài phút sau khi được đăng tải, tác phẩm báo chí đã bị nhiều trang mạng, trang tin điện tử tổng hợp, các nhóm trên mạng copy về, đăng trọn vẹn mà không hề xin phép, cũng không dẫn nguồn.
“Chưa kể, không ít các kênh trên mạng còn “xào nấu” lại để đăng, phát theo ý đồ riêng, làm sai lệch nội dung, cố tình lái dư luận theo hướng tiêu cực, gây hậu quả không nhỏ đối với cộng đồng, xã hội”, ông Khanh nói.
Việt Nam có nhiều quy định về sở hữu trí tuệ. Bộ TT-TT, Hội Nhà báo Việt Nam cũng hỗ trợ tích cực và thậm chí một số cơ quan báo chí chủ động thành lập Tổ Bản quyền để đấu tranh ngăn chặn tác phẩm báo chí bị “xào nấu”. Dù vậy, hiệu quả vẫn còn thấp, nguồn lực bị “chảy máu” khá nhiều và triền miên…