Tham dự có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, ngài Olivier Brocher; Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam (AFD Việt Nam), đại diện phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam.
Dự án được triển khai tại Quảng Nam sẽ nâng cao năng lực bảo vệ toàn bộ bờ biển và khôi phục các bãi biển một cách bền vững thông qua 2 giải pháp chính.
Cụ thể, dự án kết hợp các biện pháp bảo vệ công trình (kè chắn sóng, mỏ hàn) cho khu vực trải dài từ cửa sông đến khu nghỉ dưỡng Victoria dài 5 km và giải pháp mềm, dựa vào thiên nhiên (nuôi bãi phục hồi bãi biển). Đặc biệt là giải pháp nuôi bãi hy sinh tại khu vực mở rộng về phía bắc (khu vực bãi An Bàng), giúp khôi phục sự cân bằng trầm tích, duy trì bờ biển cục bộ và giảm nguy cơ xói lở sau công trình.
Dự án cũng áp dụng chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ và vùng lưu vực sông, là cách tiếp cận bền vững cho toàn bộ vùng ven biển từ Sơn Trà (TP.Đà Nẵng) đến Tam Hải (H.Núi Thành, Quảng Nam).
Phát biểu tại buổi khởi động, ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đánh giá dự án này là bước tiến quan trọng góp phần đảm bảo tương lai phát triển của đường bờ biển Hội An thông qua các giải pháp toàn diện, tuân thủ các nguyên tắc quản lý tổng hợp vùng bờ biển trong khu vực.
Dự án sẽ góp phần hiệu quả vào việc giảm thiểu tình trạng xói lở bờ biển, đảm bảo an toàn cho cuộc sống của người dân và thúc đẩy hoạt động kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch; tạo thêm cơ hội việc làm và tăng cường khả năng chống chịu của người dân địa phương trước tác động của biến đổi khí hậu.
Ông Bửu cũng cho rằng, với sự nỗ lực hợp tác chung tay của các nhà tài trợ và đối tác, đặc biệt là AFD, EU cùng những cam kết mạnh mẽ của chính quyền địa phương (hướng tới phát triển bền vững), tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục tận dụng hiệu quả các nguồn lực được huy động góp phần đảm bảo các cơ hội kinh doanh đồng đều và bình đẳng tới mọi thành phần kinh tế trong cộng đồng.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, ngài Olivier Brocher, cho rằng với 3.260 km bờ biển, các vùng duyên hải của Việt Nam dễ bị tổn thương trước các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ gia tăng trong những thập kỷ tới. Vì vậy, cần phải có giải pháp lâu dài và đánh giá lại việc phát triển các khu du lịch ven biển. Dự án "Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An, tỉnh Quảng Nam" được khởi động hôm nay hết sức quan trọng, có sự kết nối chặt chẽ giữa các bên.
Ngài Olivier Brocher cũng cho rằng, dự án này khá quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ song phương Pháp - Việt Nam, nhất là giải quyết thách thức mang tính toàn cầu. Dự án được triển khai ở Hội An, một địa điểm mang tính biểu trưng cao, do đó cách tiếp cận của dự án này nếu thành công sẽ được tham khảo nhân rộng ở các điểm khác.
Dự án "Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An, tỉnh Quảng Nam" có tổng mức đầu tư 42 triệu euro (tương đương 982,2 tỉ đồng). Trong đó, vốn vay ODA 35 triệu euro, vốn viện trợ không hoàn lại 2 triệu euro, vốn đối ứng 5 triệu euro.
Dự án đã ký thỏa ước vay và viện trợ không hoàn lại vào tháng 12.2023; ký hợp đồng vay lại giữa Bộ Tài chính và tỉnh Quảng Nam vào tháng 4.2024. UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt kế hoạch thực hiện tổng thể dự án vào ngày 15.4.2024.
Bờ biển từng đẹp nhất châu Á dần 'hồi sinh'
Bờ biển Cửa Đại từng là một trong 25 bãi biển đẹp nhất châu Á. Thế nhưng từ năm 2014, khu vực này bị biển xâm thực, mỗi năm sóng "ngoạm" và cuốn trôi hàng trăm mét đất. Ngoài ra, nhiều khu nghỉ dưỡng ven biển cũng bị bỏ hoang do không có bãi biển.
Trước đó, năm 2020 chính quyền tỉnh Quảng Nam triển khai xây dựng kè ngầm giảm sóng dài hơn 220 m, âm nửa mét so với mặt nước biển, chạy song song và cách bờ 250 m với tổng kinh phí 40 tỉ đồng. Công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão năm 2020, góp phần hạn chế xâm thực.
Tháng 7.2021, dự án chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại được triển khai với chiều dài hơn 1,5 km, tổng mức đầu tư 300 tỉ đồng. Ngoài ra, khu vực từ đê ngầm chắn sóng vào đến bờ cũng được bơm cát vào để nuôi bãi, gia tăng khả năng bảo vệ bờ biển Hội An. Sau khi bơm hơn 600.000 m3 cát, bờ biển Cửa Đại (dài hơn 600 m, rộng khoảng 200 m tính từ bờ ra mép biển) dần được tái tạo.
Sau khi "rót" hàng trăm tỉ đồng, bờ biển từng đẹp nhất châu Á dần "hồi sinh".