P.An Phú Đông được tăng 1 phó chủ tịch theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đối với phường, xã, thị trấn trên 50.000 dân. Mặt khác, địa phương cũng được bổ sung 2 công chức, 7 người hoạt động không chuyên trách theo quy mô dân số, đặc điểm địa bàn.
Nếu như trước đây, phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực đô thị kiêm luôn lĩnh vực kinh tế thì từ cuối năm 2023, phường phân công một phó chủ tịch phụ trách riêng cho lĩnh vực này. "Vừa có lãnh đạo vừa có thêm nhân sự công nghệ thông tin giúp phường triển khai hiệu quả chủ đề năm về chuyển đổi số, mà kết quả mới nhất là ra mắt tuyến đường không dùng tiền mặt", bà Lan chia sẻ.
P.An Phú Đông là 1 trong số 51 phường, xã trên 50.000 dân được tăng thêm phó chủ tịch phường trong giai đoạn 2024 - 2026, theo Sở Nội vụ TP.HCM. Riêng P.14, Q.Gò Vấp có dân số đủ 50.000 dân nhưng vì dự kiến sáp nhập nên chưa tăng thêm nhằm tránh dôi dư cán bộ sau sắp xếp đơn vị hành chính.
Ngoài ra, Sở Nội vụ cũng cho biết đã tham mưu UBND TP.HCM việc tăng thêm 1 phó chủ tịch HĐND và phó chủ tịch UBND TP.Thủ Đức, phó chủ tịch UBND cấp huyện cho 3 huyện Hóc Môn, Nhà Bè và Cần Giờ. Đồng thời, TP.HCM cũng tăng số cán bộ, công chức và người làm việc tại phường, xã, thị trấn theo quy mô dân số, hoạt động kinh tế, đặc điểm địa bàn.
Việc này giúp đội ngũ các phường, xã đủ về số lượng, chất lượng thực hiện công tác triển khai quản lý nhà nước tại cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp, người dân.
Chi thu nhập tăng thêm đúng người, đúng việc
Về thu nhập, cán bộ, công chức ở TP.HCM được hưởng thu nhập tăng thêm theo mức tối đa là 1,8 lần lương ngạch bậc, chức vụ (năm 2024 là 1,5 lần) nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định, chính sách chi thu nhập tăng thêm cùng với chính sách tiền lương mới tác động đến công sức, năng suất lao động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Riêng việc thực hiện Nghị quyết 98 trong hơn 1 năm qua, ông Phan Văn Mãi đánh giá TP.HCM triển khai một số nội dung, cơ chế chính sách quan trọng và đạt nhiều kết quả cơ bản, mang tính nền tảng, tạo được sự lan tỏa.
Tính đến tháng 5.2024, HĐND TP.HCM ban hành 31 nghị quyết cụ thể hóa 18/27 cơ chế, chính sách. Trong năm 2024, TP.HCM bố trí 296 tỉ đồng cho chương trình kích cầu đầu tư, bố trí hơn 700 tỉ đồng triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất, bố trí gần 1.000 tỉ đồng cho nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo và vốn cho vay giải quyết việc làm.
PGS-TS Vũ Tuấn Hưng, Phó viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội Vùng Nam bộ đánh giá sự nhập cuộc triển khai Nghị quyết 98/2023 của TP.HCM 1 năm qua mang lại nhiều tín hiệu tích cực, mà trước hết là có một thể chế mới để triển khai các chính sách thuận lợi.
Về quản trị, việc bổ sung cán bộ, công chức, người làm việc không chuyên trách ở phường, xã đông dân đã phần nào giải quyết được điểm nghẽn của sự đánh đồng địa phương đông dân cư, nhiều thủ tục hành chính cũng giống địa phương khác ít dân cư.
Về chế độ đãi ngộ, dù năm 2024 áp dụng hệ số tăng thêm là 1,5 lần nhưng không phải đương nhiên mọi cán bộ, công chức đều được hưởng giống nhau, thay vào đó chỉ những người hoàn thành xuất sắc, có cống hiến mới được hưởng mức tối đa. Điều này tạo sự cạnh tranh, thôi thúc công chức làm việc, cũng như ghi nhận, đánh giá đúng giữa người làm tốt với người chưa làm tốt, thôi thúc công chức nỗ lực cống hiến.
Trong 1 năm qua, TP.HCM cũng thúc đẩy đầu tư xã hội như hỗ trợ vốn vay giảm nghèo, vay vốn đầu tư phát triển hạ tầng, chuẩn bị thủ tục cho phương thức đối tác công tư. "Những dự án này hiện mới khởi động bước đầu nhưng mang lại tín hiệu tốt để tạo khí thế mới cho các năm tới", ông Hưng đánh giá.
Đưa cơ chế vào giải quyết những việc người dân đang chờ
Đối với người dân và doanh nghiệp, việc phân cấp mạnh mẽ giúp rút gọn thủ tục hành chính, cùng với việc bổ sung nhân sự sẽ giải quyết hồ sơ nhanh chóng, tạo tác động lan tỏa. Kinh tế TP.HCM tiếp tục tăng trưởng tích cực 6 tháng đầu năm 2024 có sự cộng hưởng từ việc triển khai Nghị quyết 98 vào cuộc sống.
Với Nghị định 84/2024 của Chính phủ về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TP.HCM mới ban hành, PGS-TS Vũ Tuấn Hưng cho biết TP.HCM sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong quản trị, phát triển kinh tế, chủ động sử dụng ngân sách triển khai dự án hạ tầng.
Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, sắp tới cần xử lý khối lượng công việc rất lớn về việc thể chế các chủ trương, nghị quyết của các cơ quan T.Ư để tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động của TP.HCM.
Trước mắt là khẩn trương thực hiện các văn bản thuộc thẩm quyền của TP.HCM, các nghị định mới của Chính phủ vào cuộc sống, nhất là Nghị định 84/2024. Nghị định này nhằm tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết 98, thời gian qua TP.HCM phối hợp các bộ ngành có nhiều nỗ lực nhưng vẫn chậm so với kế hoạch.
Linh hoạt điều chỉnh chính sách
Trong bối cảnh thực hiện cùng lúc khối lượng lớn công việc, TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM khuyến nghị TP.HCM nhận định việc lựa chọn thứ tự triển khai các dự án và chính sách có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Việc tăng cường hạ tầng giao thông có thể được xem xét trước để giảm ùn tắc và cải thiện kết nối giữa các khu vực. Các dự án y tế, văn hóa, thể thao thường đòi hỏi nguồn lực lớn và thời gian triển khai dài hơn. Chưa kể, một số dự án có tính phức tạp kỹ thuật cao nên việc chuẩn bị và thiết kế chi tiết có thể kéo dài.
Theo TS Trần Quang Thắng, việc giao thêm quyền tự chủ cho TP.HCM quyết định các dự án quy mô vốn lớn, mang tính đột phá sẽ giúp giải tỏa được nhiều nút thắt và đẩy nhanh tiến độ trong thực hiện dự án.
Ở thời điểm hiện nay, bồi thường giải phóng mặt bằng không còn là lý do chính để biện minh cho việc triển khai dự án chậm trễ nữa bởi giá đất đền bù đã tiếp cận, sát giá thị trường. Sự chậm trễ nếu có chủ yếu ở khâu lên kế hoạch, chuẩn bị từ sớm cũng như tinh thần trách nhiệm của đội ngũ.
Để những cơ chế đặc thù phát huy hiệu quả, PGS-TS Vũ Tuấn Hưng cho rằng cần thực hiện song song nhiều việc, vừa làm vừa thống kê, đánh giá để điều chỉnh chính sách kịp thời, không nên chờ 4 - 5 năm mới đánh giá. TP.HCM cũng cần có thêm các nhóm, tổ công việc giám sát, phản biện việc thực thi Nghị quyết 98, bên cạnh việc giám sát của HĐND TP.HCM và các đoàn thể.
Nếu có một khó khăn, điểm nghẽn hoặc điều gì đó bất hợp lý thì có thể giải quyết ngay, phù hợp với thực tiễn. "Chính quyền cần có kênh ghi nhận phản ánh, kiến nghị theo từng lĩnh vực, từ các hiệp hội, nghiệp đoàn, người dân để điều chỉnh chính sách chứ không gói gọn trong một bộ lọc duy nhất từ hệ thống chính trị", PGS-TS Vũ Tuấn Hưng khuyến nghị.