Theo đơn cầu cứu, sự việc 12 căn nhà của người dân trên đường số 18 bị nứt, lún do robot đào đường thi công dự án gói thầu XL07 thuộc dự án vệ sinh môi trường TP.HCM - giai đoạn 2, gây nên đã hơn 8 tháng. Đến nay, Liên doanh Công ty cổ phần xây dựng đê kè - phát triển nông thôn Hải Dương và Công ty TNHH kỹ thuật điện - xây dựng Ban Hin (nhà thầu chính) đã phối hợp cơ quan chức năng kiểm định, bước đầu bồi thường thiệt hại cho người dân sửa chữa nhà.
Theo người dân, con đường số 18 (nơi có hệ thống cống ngầm mà đơn vị thi công đã dùng robot đào đường thi công) hiện đã xuống cấp. Mặt đường xuất hiện nhiều vết nứt, bắt đầu lún…. Điều này khiến nước thải nhà dân không thoát được vào cống, nước mưa không chảy xuống cống mà chảy ngược vào nhà dân.
Ông L. (một người dân cho nhà bị nứt, lún) bức xúc, con đường số 18 do người dân góp tiền làm cống thoát nước, mặt đường. Từ khi đơn vị thi công dùng robot đào cống ngầm dưới đường số 18 thì mặt đường xuất hiện vết nứt, lún; nước thải nhà dân không thoát được, nước mưa tràn vào nhà. Đỉnh điểm, cơn mưa lớn chiều 27.5, nước mưa tràn vào nhà các hộ dân. "Điều này chứng tỏ hệ thống cống thoát nước đường số 18 bị ảnh hưởng vì thi công cống ngầm", ông L. nhận định.
Theo chị Thanh (có nhà bị nứt, lún), trong báo cáo kiểm định của Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng (Sở Xây dựng) chỉ nhắc tới thiệt hại nhà của từng người dân mà không nêu phần hư hỏng, xuống cấp của con đường số 18. "Nếu con đường số 18 không được sửa chữa hệ thống cống thoát nước thì trong tương lai người dân tại đây sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Người dân chúng tôi đề nghị đơn vị thi công, chủ đầu tư phải có trách nhiệm trong việc này", chị Thanh nói.
Liên quan đến việc này, Công ty cổ phần xây dựng đê kè - phát triển nông thôn Hải Dương cho biết, đã nhận được phản ánh người dân về việc mặt đường, cống thoát nước trên đường số 18 bị hư hỏng, xuống cấp. Hiện công ty đang chờ kết quả quan trắc, kiểm định của Sở Xây dựng liên quan đến đường số 18. Từ kết quả của Sở Xây dựng, phía công ty sẽ bàn bạc, trao đổi với người dân, các bên liên quan để xử lý dứt điểm vụ việc.
Như Báo Thanh Niên nhiều lần thông tin, gói thầu XL07 thuộc dự án vệ sinh môi trường TP.HCM - giai đoạn 2 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị làm chủ đầu tư; Liên doanh Công ty cổ phần xây dựng đê kè - phát triển nông thôn Hải Dương và Công ty TNHH kỹ thuật điện - xây dựng Ban Hin là nhà thầu chính; Liên danh tư vấn Sunjin và Keco là tư vấn giám sát. Trong quá trình thi công, nhà thầu chính đã dùng robot để đào hầm, lắp đặt đường ống dưới lòng đất đã dẫn đến 12 căn nhà trên đường số 18 bị nứt, lún, nghiêng.
Sau khi Thanh Niên liên tục phản ánh, UBND TP.HCM đã 2 lần yêu cầu các đơn vị liên quan nhanh chóng giải quyết, đảm bảo an toàn cho người dân. Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng (Sở Xây dựng TP.HCM) mất 4 tháng, qua 4 chu kỳ quan trắc mới có kết quả về mức độ thiệt hại từng nhà dân. Từ cơ sở này, các bên liên quan mới họp, thống nhất phương án sửa chữa nhà dân bị nứt, nghiêng do robot đào đường gây nên.