Theo các đại biểu, sau 10 năm thực hiện luật Quảng cáo, TP.HCM và nhiều địa phương chưa có quy hoạch quảng cáo ngoài trời, dẫn đến nhiều doanh nghiệp vận dụng một số phương thức quảng cáo ngoài trời đôi khi sai phạm, trái phép, nên nhà nước không thu được ngân sách.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ VN) thông tin năm 2020, trên địa bàn TP.HCM ghi nhận ngành quảng cáo đóng góp 1,8% GRDP cho thành phố, mục tiêu đến năm 2025 đóng góp 2,6% và đến năm 2030 là 3,2%, cho thấy ngành này có vai trò quan trọng trong thúc đẩy kinh tế – xã hội.
Song, luật sư Hậu nhấn mạnh quy hoạch quảng cáo ngoài trời cũng cần dẹp bỏ và có biện pháp chế tài nặng hơn; nâng cao chức năng quản lý, giám sát đối với thực trạng quảng cáo các dịch vụ “khoan cắt bê tông”, “rút hầm cầu”, “hỗ trợ tài chính”… trên trụ điện, thân cây, hoặc bất cứ bức tường trống, làm ảnh hưởng mỹ quan đô thị.
“Đây là bức xúc của người dân cũng như cơ quan quản lý địa phương. Việc kiểm tra và dẹp bỏ quảng cáo vi phạm tốn rất nhiều nguồn lực, có nơi cứ dọn xong lại bị dán, treo. Nhưng dự thảo Quy hoạch quảng cáo ngoài trời không đề cập tình trạng nan giải này”, luật sư Hậu bày tỏ quan điểm.
Bên cạnh đó, luật sư Nguyễn Văn Hậu đề nghị cần công khai minh bạch cơ chế thu và mức thu phí của nhà nước khi cho thuê vị trí để lắp đặt quảng cáo ngoài trời tại TP.HCM, để đảm bảo tính nề nếp, tính công khai minh bạch trong quản lý nhà nước, đồng thời tạo ra nguồn thu hiệu quả cho nhà nước.
Tiếp ý luật sư Nguyễn Văn Hậu, nhiều đại biểu nêu cần làm rõ người dân được hưởng lợi gì từ quy hoạch quảng cáo ngoài trời.
Đặc biệt, theo một số đại biểu, dự thảo quy hoạch chưa đề cập quảng cáo trên các tuyến metro, đường vành đai. Bởi đây cũng là quảng cáo ngoài trời, sẽ tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Hơn nữa, cần xã hội hóa trong việc quảng cáo ngoài trời để thực hiện nhiệm vụ chính trị, bằng hình thức đấu thầu công khai, minh bạch nhằm giảm nguồn chi ngân sách…