Giải thích mô hình này, ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Trung tâm y tế Q.Ngũ Hành Sơn, cho biết theo quy định, người dân đổi GPLX cần cung cấp giấy khám sức khỏe (có thể là bản điện tử) của cơ sở y tế, GPLX cũ, giấy tờ cá nhân và nộp cho Sở GTVT hoặc Cục Đường bộ. Tuy nhiên, Trung tâm y tế Q.Ngũ Hành Sơn đã thành lập tổ công nghệ thông tin, thực hiện liên thông dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe, đủ điều kiện tích hợp khám sức khỏe và đăng ký cấp đổi GPLX theo hình thức trực tuyến mức độ 4 từ hạng B2 trở lên trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Diễn giải theo một cách khác, người dân khi muốn đổi GPLX, có thể đến khám sức khỏe, rồi mất thêm gần 20 phút để hoàn thành các thủ tục đổi GPLX (online) ngay tại Trung tâm y tế Q.Ngũ Hành Sơn dưới sự hỗ trợ của các nhân viên trung tâm, rồi chờ nhận GPLX mới tại nhà.
Đột phá từ “những điều nhỏ”
Nhiều bạn đọc (BĐ) thốt lên “quá hay” khi nhận xét mô hình CĐS ở Trung tâm y tế Q.Ngũ Hành Sơn đã tìm được điểm đột phá “từ những điều tưởng như nhỏ nhặt”. BĐ Minh Nghĩa phân tích “Rõ ràng khám sức khỏe là khâu bắt buộc trong quá trình đề nghị cấp, đổi GPLX. Chọn ngay từ điểm khám sức khỏe để liên thông hồ sơ, liên thông thủ tục là quá tiết kiệm thời gian cho người dân”.
BĐ Nguyễn Trần Hữu Tuấn rất tán thành nhận định “đột phá khẩu cho cải cách hành chính” chính là khâu liên thông dữ liệu, đồng thời đề nghị: “Các cơ sở y tế đã được phép khám sức khỏe lái xe buộc phải liên thông kết quả lên cổng GTVT khi người dân đạt đủ điều kiện lái xe. Đề nghị nhân rộng mô hình này của Đà Nẵng cho các nơi khác, vì ích nước, lợi dân”. Với BĐ Le Van Minh, mô hình CĐS ở Trung tâm y tế Q.Ngũ Hành Sơn “thực sự là sáng kiến rất hiệu quả, đề nghị tuyên dương, phong tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua”.
Đa số BĐ cũng đồng ý cần nhân rộng mô hình này ra cả nước. “Cần thiết thì quy định thêm về chi phí để trạm y tế có thể thu tiền, tạo nguồn thu, mà người dân chỉ cần tốn thời gian một lần”, một BĐ nêu ý kiến.
Theo Trung tâm y tế Q.Ngũ Hành Sơn, từ khi triển khai mô hình CĐS này, không chỉ người dân Q.Ngũ Hành Sơn mà người dân từ các quận, huyện khác, cũng như người dân các huyện, thị lân cận từ Quảng Nam cũng đến khám rồi đổi GPLX vì nhanh chóng, thuận tiện.
Càng sát dân càng được hoan nghênh
Phát biểu trên Thanh Niên, ông Bùi Hồng Trung, Giám đốc Sở GTVT TP.Đà Nẵng, cho biết hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia thực hiện liên thông dữ liệu số định danh điện tử của công dân với dữ liệu GPLX của Bộ GTVT, dữ liệu giấy khám sức khỏe của Bộ Y tế. “Hệ thống là bước tiến lớn trong CĐS, ứng dụng, khai thác dữ liệu số từ T.Ư đến địa phương. Sở GTVT TP.Đà Nẵng đã phối hợp với Sở TT-TT và Trung tâm y tế Q.Ngũ Hành Sơn thử nghiệm, liên thông dữ liệu, thực hiện đổi thành công GPLX trực tuyến cấp 4 hoàn toàn trên môi trường mạng. Hiện mô hình CĐS đột phá này đáp ứng đúng nhu cầu, nguyện vọng của người dân tại TP.Đà Nẵng”, ông Trung khẳng định.
BĐ Khách qua đường chia sẻ: “Có lần tôi vào bệnh viện thấy nhiều anh công an trong phòng tiếp nhận bệnh. Tưởng có chuyện gì, hỏi mới biết các anh đang hỗ trợ bên y tế dùng CCCD thay thẻ BHYT. CCCD của ai bị lỗi thì công an hỗ trợ luôn tại chỗ. Thêm mô hình đổi GPLX ở Trung tâm y tế Q.Ngũ Hành Sơn thì càng chứng tỏ hoạt động quản lý, cải cách hành chính càng xuống sát cơ sở, càng sát người dân thì càng được ủng hộ, hoan nghênh”.
* Quá hay. Bao giờ ở các địa phương khác cũng áp dụng mô hình giống vậy?
Robin
* Rất hay và cần nhân rộng mô hình này
Bình Trần
* Cải cách hành chính được các cấp nói đến từ nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn còn tồn tại ít nhiều điểm nghẽn. Đôi khi chỉ từ một góc suy nghĩ giản dị cũng có thể tìm được đột phá
Minh Bạch